Coi trọng văn hóa học tập để phát triển năng lực
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là người lao động phải đổi mới tư duy, nâng cao kỹ năng mới có thể thích ứng với những đòi hỏi của nền kinh tế số.
Các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết trong nền kinh tế số để định hình lại mục tiêu, chiến lược.
Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn mới về phát triển năng lực trong chuyển đổi số, mới đây, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất bản, phát hành cuốn sách “Phát triển năng lực-kiến tạo tương lai” do TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel (Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội) chủ biên, cùng sự cộng tác của các tác giả: Lưu Nhật Huy, Lê Thị Thu Hương, Trần Văn Vui và Nguyễn Ngọc Minh.
Bìa cuốn sách. |
Được nghiên cứu công phu, đúc kết từ những tri thức khoa học, kinh nghiệm phong phú, mang tính ứng dụng cao trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cuốn sách gồm 5 chương: Vốn nhân lực và chuyển dịch trong học tập, đào tạo; Con đường hướng tới tổ chức học tập; Quản trị tri thức trong doanh nghiệp thời “4.0”; “Ứng dụng công nghệ trong học tập và đào tạo doanh nghiệp”; Hệ sinh thái học tập.
Một trong những vấn đề sâu sắc nhất được sách đề cập là văn hóa học tập đối với doanh nghiệp. Lợi ích của văn hóa học tập đối với doanh nghiệp đã được tác giả phân tích ở các khía cạnh: Văn hóa học tập là một trong những nền tảng của quá trình đổi mới sáng tạo; văn hóa học tập giúp “đảo ngược” quá trình “già hóa” của doanh nghiệp, giúp tối ưu đóng góp từ đội ngũ nhân viên, người lao động; văn hóa học tập là một trong những điều kiện giúp hình thành nên văn hóa số của doanh nghiệp.
Từ đó, tác giả nhận định: “Văn hóa học tập không chỉ là điều kiện cần để một doanh nghiệp không bị thụt lùi so với những đối thủ khác trên thị trường mà còn là chất xúc tác mạnh mẽ cho những sáng tạo, đột phá-nhân tố đã trở thành công cụ xã hội số đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Văn hóa học tập tạo ra một lực đẩy cho văn hóa số và là tiền đề của văn hóa số thời đại 4.0”.
Việc khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa học tập thời nay cũng phù hợp với quan điểm của nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler: “Những người mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là những người không biết đọc hay biết viết, mà là những người không biết học hỏi, quên đi chính những thứ đã học và tiếp tục học cái mới”.
Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra nhiều gợi ý bổ ích, như: Gắn phát triển nhân sự với mục tiêu chiến lược; định hình các ưu tiên; chuyển đổi từ học hỏi bị động sang trang bị một văn hóa học hỏi chủ động và liên tục; xây dựng hệ thống quản lý tri thức. Ngoài ra, nhiều thuật ngữ mới về học tập, đào tạo trong doanh nghiệp cũng được cuốn sách lý giải sâu sắc, như: Đào tạo dựa trên công nghệ, học trên thiết bị di động, học tập qua video, học tập thích nghi, làm việc để học, học tập kết hợp, học tập cộng tác…
Cuốn sách được trình bày với lối văn phong giản dị, dễ đọc; nhiều vấn đề được minh họa bằng công thức hóa, mô hình hóa, sơ đồ hóa nên rất bắt mắt, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng, kể cả bạn đọc trẻ. Theo GS, TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, cuốn sách “Phát triển năng lực-kiến tạo tương lai” có giá trị không chỉ ở nội dung kiến thức phong phú và cập nhật mà còn ở những kiến giải đặc sắc về sự cấp thiết và phương cách để nỗ lực đưa học tập và đào tạo trở thành một động lực nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng trong thời đại số. Đọc cuốn sách này, người đọc tiếp thu những nhận thức mới làm nền tảng cho những nỗ lực đột phá trong hành trình đi lên của mình. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo bổ ích đối với lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.
Ý kiến ()