Coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp trong xây dựng chính sách
Khi xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng, tổ chức thường tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng liên quan trực tiếp và chịu sự điều chỉnh của các chính sách này. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều văn bản pháp luật đang thiếu tiếng nói của doanh nghiệp, khiến cho một số quy định, điều kiện kinh doanh khi đi vào thực tế đã nảy sinh mâu thuẫn, tạo nên những lực cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang. (Ảnh Trần Quốc) |
Do đó, sự tham gia xây dựng thể chế, chính sách từ phía doanh nghiệp cần được coi trọng hơn, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong tương lai.
Còn nhiều bất cập
Theo thống kê của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến nay cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ (chiếm 98%), còn lại khoảng 2% là các doanh nghiệp lớn. Do đó, số doanh nghiệp có đủ “sức khỏe” để chống chọi với những biến động bất lợi của thị trường không nhiều.
Tính riêng trong năm tháng đầu năm 2023, khoảng 61 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có 65 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra, có 82,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những rào cản trong kinh doanh, vướng mắc trong thực hiện các quy định, điều kiện kinh doanh còn phức tạp, chưa phù hợp thực tiễn, gây nhiều khó khăn trong quá trình tuân thủ của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của một số chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm; một số bộ chưa trình Thủ tướng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa khai thác hiệu quả Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; chưa tích cực phản hồi ý kiến của người dân và doanh nghiệp, thậm chí có tình trạng một số cơ quan ban hành văn bản pháp luật đã “phớt lờ” ý kiến của doanh nghiệp đóng góp xây dựng chính sách.
Do vậy khi được tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến cho một dự thảo văn bản pháp luật nào đó, các doanh nghiệp đều mong muốn thể hiện được nguyện vọng của mình trong những hoạt động này. Nói cách khác, ý kiến đóng góp, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp đối với các văn bản pháp luật kinh doanh là một kênh quan trọng để đưa hơi thở của cuộc sống vào đường lối, chính sách. Việc làm này cũng đồng thời khắc phục tình trạng đơn phương, áp đặt những chính sách bất hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Việt Nam, Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ vẫn có nhiều quy định thiếu tính thống nhất, chồng chéo, bất cập, chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc phát sinh, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Vẫn có nhiều quy định thiếu tính thống nhất, chồng chéo, bất cập, chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc phát sinh, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Việt Nam, Nguyễn Quốc Hiệp
Trên thực tế, không ít trường hợp dự án của các doanh nghiệp khởi động cách đây 5-7 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng xong do vướng mắc trong sự chồng chéo của quy định. Doanh nghiệp đang rất mong chờ những sửa đổi dựa trên phản ánh thực tế của doanh nghiệp nhằm khơi thông pháp lý. Thí dụ như, đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số bất cập với quy định về thu hồi đất cho “dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở”.
Luật chưa làm rõ quy định các dự án “đất khác” trong các đô thị, vậy khi di dời hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, chủ sử dụng đất đó có được làm chủ đầu tư không? Hay đối với các dự án đang triển khai trước khi Luật này có hiệu lực sẽ được thực hiện theo phương án bồi thường hỗ trợ đã được phê duyệt trước đó thì thực hiện như thế nào? Nếu quy định này thông qua và bắt buộc phải thực hiện, nhưng thực tế lại chưa đáp ứng và không thể triển khai được thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, thậm chí là ách tắc.
Nỗ lực hơn nữa trong cải cách
Trên thực tế, Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục những bất cập về chính sách, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Năm 2020, Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát 11 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh hay ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành một luật sửa 8 luật về kinh doanh để gỡ vướng cho một số hoạt động đầu tư.
Theo thống kê mới đây của Văn phòng Chính phủ, các quy định kinh doanh được các bộ công khai, cập nhật 17.830 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đồng thời, đến nay các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, những hoạt động này chỉ mang tính chất giải quyết tình huống, sửa chữa một vài khiếm khuyết ở phần ngọn mà chưa xem xét tổng thể từ gốc rễ của vấn đề trong hệ thống văn bản pháp luật.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và hoàn thiện pháp luật, vẫn có nhiều doanh nghiệp không tham gia hoặc không có điều kiện để được tham gia đóng góp ý kiến, cho nên khi pháp luật ban hành, họ đã phản ứng rất quyết liệt.
Trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và hoàn thiện pháp luật, vẫn có nhiều doanh nghiệp không tham gia hoặc không có điều kiện để được tham gia đóng góp ý kiến, cho nên khi pháp luật ban hành, họ đã phản ứng rất quyết liệt.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
Điều này do nhận thức và năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, nhưng cũng do cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy vai trò tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn thiếu. Thời gian qua, VCCI đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ rà soát lại các luật, chính sách chưa thật sự phù hợp với thực tiễn trong triển khai nhằm đẩy mạnh việc cải cách hành chính, bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Song để doanh nghiệp đóng góp hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng pháp luật, công khai đầy đủ các tài liệu có liên quan, gồm cả đánh giá tác động chính sách, các đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là cần phải đổi mới cách thức lấy ý kiến để doanh nghiệp tích cực tham gia hơn, đóng góp những ý kiến thực chất hơn ngay từ khi xây dựng dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Có thể nói, pháp luật kinh doanh được xem là sự sống còn của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần tham gia để thúc đẩy tính tích cực và hạn chế những rào cản của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh. Nếu thiếu đi sự phản biện từ các doanh nghiệp thì các văn bản pháp luật dù được chăm chút tới đâu cũng không tránh khỏi thiếu sót, bất cập, bởi ý kiến của doanh nghiệp chính là từ những vấn đề vướng mắc thực tế trong quá trình thực hiện, có vai trò đáng kể trong hoạch định chính sách phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, để sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp hiệu quả hơn, trong quá trình ban hành các văn bản pháp luật cũng như khi thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, các ban soạn thảo nên làm rõ quá trình điều tra và thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp để có các báo cáo chi tiết, cụ thể, tránh tình trạng những ý kiến đóng góp không được nghiên cứu tiếp thu.
Chỉ khi đó, mới có thể xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, bám sát thực tế, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần phát huy cao nhất tiềm năng của người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ được những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ý kiến ()