Thứ 4, 27/11/2024 15:27 [(GMT +7)]
Coi trọng năng lực đội ngũ ra đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng
Thứ 3, 03/08/2010 | 15:38:00 [(GMT +7)] A A
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bao gồm các công đoạn: làm đề thi, tổ chức thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra và tập trung thí sinh nhập học.
Ra đề thi là một trong những khâu quan trọng và kỳ thi có thành công hay không phụ thuộc vào yếu tố này. Thế nhưng, những năm gần đây, công tác ra đề thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ đã bộc lộ những thiếu sót, yếu điểm.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, kết thúc ba đợt thi ĐH, CĐ đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu biên soạn, vận chuyển, in sao, phân phối và sử dụng; không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận bức xúc gây nhiều tranh cãi lại xuất phát từ chất lượng đề thi. Mặc dù, hằng năm một lượng lớn cán bộ, giáo viên được triệu tập để thực hiện công tác ra đề thi, trong đó có tổ chức phản biện với ba người làm bài độc lập nhưng đề thi môn tiếng Anh khối D1 hệ đại học và môn Hóa học hệ cao đẳng năm 2010 lại gây ra nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng có sự “đạo văn” khi không ghi rõ nguồn trong đoạn trích. Quy chế thi yêu cầu “Nội dung đề thi phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn câu chữ rõ ràng, không có sai sót”. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng, Cục Khảo thí (Bộ GD và ĐT) Trần Văn Nghĩa, cho biết: Đề thi không phải một công trình khoa học, một luận văn, hay một bài báo viết, bắt buộc phải dẫn nguồn, cho nên việc không dẫn nguồn không thể coi là “đạo văn”. Đối với đề thi môn Hóa học hệ cao đẳng sau khi dư luận có nhiều ý kiến về việc đề thi sai sót, đáp án không đúng thì Ban chỉ đạo thi tuyển sinh của Bộ GD và ĐT cho rằng “về mặt khoa học, đáp án của câu 52, mã đề 516 (và câu có nội dung này thuộc các mã đề khác) của đề thi tuyển sinh cao đẳng môn Hóa học vẫn còn những điểm chưa thống nhất”. Chính vì vậy, phương án được đưa ra là bỏ câu này trong đề thi và số điểm của câu này (0,2 điểm) được chia đều cho các câu còn lại. Vậy nhưng, theo quy chế thi, tuyển sinh đối với nội dung đề thi “không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải”. Nhiều ý kiến cho rằng việc giải quyết không chấm và chia đều điểm câu 52, mã đề 516 gây nhiều tranh cãi vừa không phù hợp quy định của quy chế lại khiến thí sinh là những người bị thiệt thòi.
Điều đáng nói, đề thi chung do Bộ GD và ĐT ban hành bởi một lực lượng cán bộ, giáo viên hùng hậu nhưng việc xác định nguyên nhân của những hạn chế trong đề thi lại chưa bao giờ nhắc đến lực lượng này, thiếu sự phân tích rạch ròi. Những điểm gây tranh cãi trong đề thi không chỉ xảy ra trong kỳ thi năm nay mà đã từng xảy ra ở các kỳ thi trước đây cho thấy sự yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ ra đề, phản biện đề thi. Lâu nay, vấn đề trình độ đội ngũ cán bộ ra đề thi vẫn luôn được “cửa đóng then cài” trong khi chất lượng đề thi lại gây bức xúc trong dư luận xã hội. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là đội ngũ cán bộ ra đề thi được xây dựng trên những tiêu chí nào, có bảo đảm trình độ chuyên môn, cơ cấu bậc học, cơ cấu vùng miền; có hay không việc nhiều cán bộ trong ban đề thi là giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên tập trung ở một số địa phương, thậm chí có trường hợp cán bộ làm đề thi còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm. Mặt khác, quy chế thi, tuyển sinh quy định cán bộ làm đề thi “chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng đề thi do mình phụ trách” nhưng đến nay dù không phải là lần đầu tiên đề thi gặp sự cố nhưng vẫn chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng: Việc sử dụng đề thi chung cho cả nước khi có sai sót thì hậu quả rất lớn, quy trình bảo mật cũng đòi hỏi công sức, tiền của tốn kém. Cả nước có tới 195 lượt trường đại học, 136 trường cao đẳng tổ chức thi. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi ĐH, CĐ, Bộ GD và ĐT giao cho 25 cơ sở giáo dục đại học in sao đề thi cho nên dù được gọi là “tự thỏa thuận với nhau” về giá đề thi nhưng thực tế, lãnh đạo một số trường phản ánh phải mua đề với giá quá đắt (khoảng 10 đến 14 nghìn đồng/đề), dù đề thi chỉ là in sao trên một hoặc một số trang giấy.
Để đề thi, đáp án, thang điểm trong thi, tuyển sinh vào ĐH, CĐ thật sự khoa học, chính xác, chặt chẽ, rõ ràng, không sai sót thì ngoài việc thắt chặt các khâu ra đề, in sao, vận chuyển…; Ban chỉ đạo thi tuyển sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần xem xét vấn đề trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ ra đề. Có như vậy kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ mới thật sự đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()