Coi trọng giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên ngành y
Hướng dẫn sinh viên Trường đại học Y Hà Nội thực hành chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Ảnh: HỮU OAI |
Kỹ năng “cứng” là những kỹ năng chuyên môn, giúp con người thực thi những công việc cụ thể đạt được những tiêu chuẩn nhất định, còn kỹ năng mềm là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, là khả năng, là cách thức chúng ta tiếp cận và phản ứng với môi trường chung quanh, không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn.
Trong các ngành nghề, lao động y tế là loại hình lao động đặc biệt, đòi hỏi tính khẩn trương, sự nhẫn nại, kiên trì. Trong hành nghề y, người bệnh và gia đình của họ đến với bệnh viện, cơ sở y tế, đến với những người thầy thuốc từ các vùng miền khác nhau, bệnh tật khác nhau, tính cách khác nhau, cảm xúc tâm lý khác nhau… Hơn nữa, khi ở tuyến y tế cơ sở, trình độ chuyên môn có hạn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và cơ cấu bệnh tật thay đổi, phải đối mặt với sự gia tăng người bệnh, điều đó đã tạo ra áp lực rất lớn đối với nhân viên ngành y tế, nhất là ở những bệnh viện lớn (nơi tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu mỗi ngày), hoặc khi phải đối phó với các vụ dịch bệnh lớn, dài ngày… Trong công việc, nhân viên y tế phải chịu nhiều sức ép của dư luận xã hội và đôi khi cả những hành vi tiêu cực của người nhà bệnh nhân khi không đáp ứng được yêu cầu trong chữa trị, đặc biệt khi gặp rủi ro!. Thêm vào đó, còn có tác động của các yếu tố xã hội như đời sống khó khăn, yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường,… Tất cả những vấn đề trên đã chi phối tâm lý và ảnh hưởng thái độ, hành vi ứng xử của các nhân viên y tế đối với người bệnh, gia đình và cộng đồng.
Thực tế cho thấy, dân số ngày càng tăng, trong khi đó, bệnh viện và giường bệnh thì tăng không đáng kể, đã tạo ra sự quá tải đối với các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế trung ương, làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị và sự an toàn của người bệnh cũng trở nên bấp bênh hơn. Phần lớn các khiếu kiện ở bệnh viện, phần lỗi không nhỏ thuộc về nhân viên y tế, trong đó bao gồm sự giao tiếp không tốt, sự tắc trách, thái độ lơ là, lẫn sự yếu kém về trình độ chuyên môn… của người thầy thuốc, điều dưỡng và kỹ thuật viên y tế. Sự yếu kém này có thể do thiếu kiến thức chuyên môn, nhưng đặc biệt là do thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, kỹ năng làm việc nhóm,… những kỹ năng “mềm” này rất cần thiết đối với cán bộ y tế. Tiếc rằng hiện nay, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế mới chỉ chú trọng tới việc đào tạo phần cứng, đào tạo kỹ năng chuyên môn mà ít quan tâm tới đào tạo kỹ năng “mềm”. Do vậy, hơn lúc nào hết, các trường đào tạo cán bộ y tế cần phải coi trọng đào tạo kỹ năng “mềm”, coi đây là chìa khóa cho sự thành công, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc cho người bệnh, gia đình và cộng đồng. Có nhiều loại kỹ năng “mềm”, nhưng để thành công, người cán bộ y tế cần có những kỹ năng tối thiểu sau:
a) Kỹ năng giao tiếp: Với mục tiêu để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, gia đình và cộng đồng, do vậy nhân viên y tế phải là những người chủ động xây dựng và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tạo môi trường giao tiếp có văn hóa, lành mạnh, thực hiện đầy đủ quy trình khám, chữa bệnh trên cơ sở tôn trọng, thương yêu người bệnh, tạo niềm tin với người bệnh, gia đình và cộng đồng. Người cán bộ y tế không chỉ nắm vững tình hình của người bệnh qua các xét nghiệm, qua lời khai bệnh, qua chẩn đoán, mà cần thấu hiểu hoàn cảnh, trạng thái tâm lý, văn hóa của họ khi đến bệnh viện, từ đó giúp cho việc khám bệnh, điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.
b) Kỹ năng lắng nghe: Đây là một kỹ năng rất quan trọng trong công tác thông tin truyền đạt và càng quan trọng hơn trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh. Bằng cách lắng nghe một cách tích cực sẽ tạo được mối liên hệ mật thiết, tôn trọng người bệnh, gia đình và cộng đồng, nhằm phát hiện các nhu cầu, vấn đề và mối quan tâm về sức khỏe của họ. Qua đó, người cán bộ y tế có thể sẽ thấu hiểu, cảm thông, đồng cảm với người bệnh, gia đình và cộng đồng, nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị.
c) Kỹ năng tự học: Nghề y liên quan tính mạng con người nên người cán bộ y tế cần phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân với tinh thần “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, để có thể giải thích một cách thấu đáo những thắc mắc liên quan người bệnh và gia đình người bệnh, giúp cho người bệnh thấu hiểu và hợp tác, nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
d) Kỹ năng nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu khoa học là phương tiện khách quan, hệ thống và đáng tin cậy để tạo ra bằng chứng hướng dẫn thực hành lâm sàng. Người cán bộ y tế cần phải tích cực nghiên cứu khoa học, tìm ra những bằng chứng có giá trị để áp dụng vào thực hành lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, gia đình và cộng đồng.
đ) Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin: Tiếp nhận và xử lý thông tin một cách hiệu quả để có thể giúp cho người cán bộ y tế đưa ra những quyết định chính xác trong quá trình chẩn đoán, điều trị và chăm sóc. Do vậy, người cán bộ y tế cần phải biết khai thác tiền sử, bệnh sử, phát hiện các triệu chứng, nguyên nhân của bệnh, nhận định những khó khăn của người bệnh, chọn lọc những thông tin cần thiết… Trên cơ sở đó đưa ra chẩn đoán chính xác, biện pháp điều trị và chăm sóc thích hợp trong thời gian ngắn nhất, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và bảo đảm sự an toàn cho người bệnh, gia đình và cộng đồng.
e) Kỹ năng làm việc nhóm: Trong nghề y, việc phối hợp giữa bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và các nhân viên y tế khác có ý nghĩa quan trọng nhằm cứu chữa người bệnh một cách kịp thời và có hiệu quả cao nhất. Để xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp tốt, người cán bộ y tế cần có tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, luôn quan tâm, đồng cảm, chia sẻ kinh nghiệm, không phân biệt đối xử về vị trí công tác giữa các thành viên, giữa những người giỏi hoặc kém hơn mình, duy trì sự đối thoại tích cực trên tinh thần xây dựng trong công việc hàng ngày như hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn khoa học, trao đổi những vấn đề liên quan người bệnh, tôn trọng kỹ năng và những đóng góp của đồng nghiệp, có thiện chí giải quyết, hỗ trợ về mọi vấn đề trong quá trình làm việc.
m) Tư duy phản biện: Trong quá trình áp dụng phương pháp tư duy phản biện, bất cứ ở tại thời điểm nào, người cán bộ y tế cũng phải sẵn sàng động não, suy luận và đánh giá; những hoạt động này sẽ tạo thành một phong cách tư duy, luôn luôn sẵn sàng lắng nghe. Nhưng trước khi chấp nhận bất cứ ý kiến nào, phải chủ động phân tích, có thói quen trả lời câu hỏi tại sao và đánh giá để đưa ra những quyết định về chăm sóc sức khỏe có lợi nhất cho người bệnh, gia đình và cộng đồng.
n) Kỹ năng quản lý: Trong ngành y, việc chăm sóc cho một người bệnh đòi hỏi cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực, do vậy vấn đề tổ chức thực hiện, phối hợp các nguồn lực ra sao cho hiệu quả nhất rất cần được quan tâm. Mỗi một cán bộ y tế phải biết tổ chức và quản lý công việc của cá nhân, biết lựa chọn ưu tiên, sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, thường xuyên theo dõi, đánh giá, phát hiện những vấn đề tồn tại của người bệnh, gia đình và cộng đồng để kịp thời điều chỉnh kế hoạch điều trị, chăm sóc cho phù hợp.
Để việc đào tạo kỹ năng “mềm” thật sự có hiệu quả, giúp học sinh, sinh viên (HSSV) ngành y làm chủ được cuộc sống, học tập, sinh hoạt và dễ dàng đáp ứng được yêu cầu đặc thù của nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo cần tập trung vào một số nội dung cơ bản như:
1- Đổi mới nội dung chương trình đào tạo dựa trên năng lực, quan tâm tới chuẩn đầu ra, thật sự phải quan tâm tới kiến thức, kỹ năng, thái độ, đặc biệt chú trọng đào tạo về thái độ trong các học phần chuyên môn. Ngoài việc đào tạo kỹ năng chuyên môn, cần phải quan tâm tới đào tạo kỹ năng “mềm” cho HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
2- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo kỹ năng “mềm” cơ bản, thiết thực, phù hợp nghề y và triển khai thực hiện trong chương trình đào tạo chính khóa, có kiểm tra, đánh giá. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy kỹ năng “mềm”.
3- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các câu lạc bộ sinh viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, giao lưu về giao tiếp ứng xử, kỹ năng học – tự học, nghiên cứu khoa học, kỹ năng làm việc nhóm…, tổ chức cho HSSV được thực hành các chuyên đề phù hợp nội dung và yêu cầu đào tạo, giúp HSSV tự rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng “mềm” và hiểu được sự phức tạp trong đời sống thực tế, từ đó tích lũy cho mình những kinh nghiệm sống quý báu để áp dụng vào công việc và cuộc sống sau khi ra trường.
Ý kiến ()