Coi trọng công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, hoạt động của công tác này còn nhiều bất cập.Bạn đọc Lưu Mai Chi (Bến Tre): Cuộc sống nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hàng loạt các tranh chấp, vướng mắc xảy ra trong gia đình, hàng xóm, láng giềng và cộng đồng dân cư. Nhiều mâu thuẫn nếu không được dàn xếp ổn thỏa rất dễ trở thành những "ngòi nổ" làm phát sinh xung đột, ẩu đả. Có trường hợp, chỉ vì tranh chấp di sản thừa kế mà anh em xô xát; hàng xóm chửi bới, hành hung nhau vì vài chục phân đất; vợ chồng lôi nhau ra tòa kiện tụng, ly hôn. Tại nhiều địa bàn, chính quyền và các đoàn thể quần chúng tích cực cử những cán bộ có kinh nghiệm nắm bắt tình hình, khi phát hiện những địa bàn xuất hiện tranh chấp, mâu thuẫn là cán bộ hòa giải kịp thời có mặt để lựa lời khuyên giải, dàn xếp, ngăn chặn...
Bạn đọc Lưu Mai Chi (Bến Tre): Cuộc sống nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hàng loạt các tranh chấp, vướng mắc xảy ra trong gia đình, hàng xóm, láng giềng và cộng đồng dân cư. Nhiều mâu thuẫn nếu không được dàn xếp ổn thỏa rất dễ trở thành những “ngòi nổ” làm phát sinh xung đột, ẩu đả. Có trường hợp, chỉ vì tranh chấp di sản thừa kế mà anh em xô xát; hàng xóm chửi bới, hành hung nhau vì vài chục phân đất; vợ chồng lôi nhau ra tòa kiện tụng, ly hôn. Tại nhiều địa bàn, chính quyền và các đoàn thể quần chúng tích cực cử những cán bộ có kinh nghiệm nắm bắt tình hình, khi phát hiện những địa bàn xuất hiện tranh chấp, mâu thuẫn là cán bộ hòa giải kịp thời có mặt để lựa lời khuyên giải, dàn xếp, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Bạn đọc Lương Thanh Châu (Kiên Giang): Những hòa giải viên ở cấp cơ sở phải là người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm hòa giải và có uy tín trong cộng đồng làng xóm, khu phố. Đồng thời, họ có năng khiếu thuyết phục, nắm bắt tâm lý đối tượng cần hòa giải. Khi tiến hành xử lý vụ việc cụ thể nào đó, hòa giải viên thường tìm hiểu kỹ nội dung vụ việc, kết hợp với khả năng diễn giải, phân tích cộng với thái độ ân cần, từ đó dễ đạt kết quả hòa giải thành công. Mỗi vụ việc được hòa giải góp phần làm giảm bớt các nguy cơ vi phạm, tội phạm, ngăn chặn những vụ bạo lực gia đình, các việc gây gổ, mất đoàn kết trên địa bàn dân cư. Không ít cán bộ hòa giải nhiệt tình, tích cực công tác, không quản ngại mưa nắng, đường sá xa xôi đến tận các gia đình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là “cầu nối” giải tỏa những bất hòa, xích mích.
Bạn đọc Trần Thu Hòa (Hải Phòng): Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, chính quyền và cơ quan chức năng nên quan tâm củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải. Nhà nước cần ban hành đồng bộ các văn bản pháp luật liên quan công tác hòa giải. Hằng năm, ngành chức năng nên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở địa phương. Về chế độ, chính sách đối với những người làm công tác hòa giải cần rõ ràng, thỏa đáng hơn. Nhiều trường hợp, hòa giải viên chỉ được hưởng chế độ trợ cấp ít ỏi, trong khi công việc của họ khá nặng nề, thậm chí gặp rủi ro, nguy hiểm. Không ít hòa giải viên hoặc gia đình, người thân của họ bị đương sự chửi bới, đe dọa, hành hung gây thương tích.
Theo Nhandan
Ý kiến ()