Coi trọng bảo tồn văn hoá dân tộc
LSO- Lạng Sơn có bề dầy lịch sử, văn hoá, nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn lưu giữ nét văn hoá đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, trong 3 năm qua, các cấp đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 116-CTr/TU; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53 ngày 29/5/2015 chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung bảo tồn văn hóa được triển khai thông qua các chương trình phối hợp giữa ngành văn hóa – thể thao và du lịch (VHTTDL), Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh, Hội Nông dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn, Ban Dân tộc, Hội Người cao tuổi… Một số nội dung hoạt động cụ thể được triển khai như: đưa văn hóa, thể thao mang đậm tính dân tộc về cơ sở, về các địa bàn vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới. Các tổ chức xã hội cùng với các ngành quan tâm đến công tác truyền dạy văn hóa phi vật thể, bảo tồn loại hình văn hóa cho thế hệ trẻ.
Trò chơi dân gian đập niêu tại lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ xuân 2018
Hội Bảo tồn dân ca tỉnh khơi dậy tinh thần sáng tạo cho các hội viên, đẩy mạnh hơn nữa việc sáng tác, sưu tầm biên soạn các tác phẩm dân ca, dân vũ mang âm hưởng dân tộc; từ đó dàn dựng chương trình để biểu diễn, chuyển tải các tác phẩm ra công chúng. Các lễ hội tiếp tục được chấn chỉnh và có định hướng hoạt động theo các quy định của Bộ VHTTDL. Trước đây trên địa bàn tỉnh có trên 300 lễ hội lớn nhỏ, nay chỉ còn gần 100 lễ hội duy trì hoạt động đều đặn nhân dịp đầu năm và gắn với các di tích đã được xếp hạng. Hoạt động lễ hội đã khơi dậy nét văn hóa và tổ chức các môn thể thao dân tộc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được khoảng 450 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, thu hút trên 8.500 hội viên tham gia sinh hoạt; trong đó mô hình CLB hát then đàn tính chiếm tới 70%. Ước tính số buổi hoạt động trung bình đạt trên 5.000 buổi/năm. Một số trường học tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Chi Lăng đã quan tâm đưa hoạt động văn hóa dân tộc vào nội dung sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh. Nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ và lễ hội, hoạt động văn hóa thể thao dân tộc được duy trì đậm nét. Đặc biệt nhân ngày Văn hóa dân tộc 19/4 hằng năm, ngành VHTTDL đến tổ chức các hoạt động như: biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trình diễn các nghề thủ công gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào.
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa thể thao, được ngành chức năng tuyển chọn các tiết mục, môn thi mang đậm bản sắc dân tộc, phù hợp và giành nhiều giải cao tại liên hoan, hội thi, hội diễn cấp khu vực. Từ năm 2015, trở lại đây, ngành VHTTDL đã tham mưu đề nghị xét tặng các danh hiệu cho 12 cá nhân có thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản về văn hóa dân tộc; triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn văn hóa. Đồng thời nghiên cứu xây dựng thí điểm một số loại hình dân ca phục vụ hoạt động du lịch; nghiên cứu, biên soạn, truyền dạy các loại hình dân ca trong các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phan Cầu
Ý kiến ()