"Có thực mới vực được đạo"
Nhờ được ngân hàng cho vay vốn, gia đình ông Huỳnh Văn Hùng ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) đầu tư trồng chuyên canh cây ăn quả đạt hiểu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Trong ảnh : Ông Hùng thu hoạch xoài. Ảnh :Kim Ngân Bài 2: Ngân hàng xuống chợ, xuống vườn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đặng Thị Kim Nguyên ưu ái nói, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) Đồng Nai được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quý mến tin cậy không phải vì "là ngân hàng có tiền", mà do NHNo Đồng Nai dám dấn thân, đồng cảm với ý tưởng, chủ trương của đảng bộ, chính quyền và cảm thông với sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), khát vọng làm giàu của nhân dân.Về Đồng Nai, riêng tôi cảm nhận, trong tâm tưởng của nhiều bà con buôn bán các chợ thành phố Biên Hòa và các huyện luôn nhớ những năm 1989 - 1990 giữa lúc tín dụng ngân hàng đổ bể hàng loạt, nạn cho vay nặng lãi hoành hành khắp chốn, giá cả...
|
Bài 2: Ngân hàng xuống chợ, xuống vườn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đặng Thị Kim Nguyên ưu ái nói, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) Đồng Nai được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quý mến tin cậy không phải vì “là ngân hàng có tiền”, mà do NHNo Đồng Nai dám dấn thân, đồng cảm với ý tưởng, chủ trương của đảng bộ, chính quyền và cảm thông với sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), khát vọng làm giàu của nhân dân.
Về Đồng Nai, riêng tôi cảm nhận, trong tâm tưởng của nhiều bà con buôn bán các chợ thành phố Biên Hòa và các huyện luôn nhớ những năm 1989 – 1990 giữa lúc tín dụng ngân hàng đổ bể hàng loạt, nạn cho vay nặng lãi hoành hành khắp chốn, giá cả tăng vọt, đời sống và sự buôn bán của bà con tiểu thương các chợ tưởng như đã vào ngõ cụt. NHNo Đồng Nai 'dấn thân' cử cán bộ tín dụng xuống tận chợ cho dân vay vốn buôn bán với lãi suất thấp, thủ tục vay, trả lại rất đơn giản, chỉ cần Ban quản lý chợ chứng nhận đề nghị cho vay là được. Nghe NHNo báo cáo vậy, tôi không tin, tìm hỏi anh Tám Thưởng, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Đồng Nai.
– Giữa thời điểm khó khăn, tiền mặt khan hiếm, sao các anh dám làm như vậy?
– Không phải bọn này liều đâu, mà có điều nghiên, lập dự án đàng hoàng. Đưa cán bộ ngân hàng xuống chợ là một cách 'học' cho vay và tổ chức cho vay sát dân, vì dân nhất. Tại sao để bọn cho vay nặng lãi chiếm trận địa này, mà ngân hàng không làm được? Chúng tôi đã cho bà con sáng vay chiều trả, nay vay mai trả, vay tuần trả, tháng trả đều được, chỉ cần Ban quản lý chợ chứng nhận đề nghị là cho vay, khỏi thế chấp giấy tờ rườm rà.
– Các anh nghĩ thế nào mà lại chỉ tin vào sự chứng nhận của Ban quản lý chợ?
– Không chỉ tin vào Ban quản lý chợ, mà chúng tôi đặt lòng tin cả vào bà con tiểu thương. Vì có ai gắn bó với chợ bằng Ban quản lý chợ và bà con tiểu thương. Ban quản lý chợ là người hiểu bà con tiểu thương nhất, còn với bà con tiểu thương có gì quan trọng hơn Ban quản lý chợ và chỗ ngồi của mình trong chợ.
Quả là cách làm táo bạo, ngay bây giờ cũng ít nơi dám làm. Cái được của cách làm này là kéo ngay được lãi suất vay nóng xuống, ngân hàng cho vay được tiền, thu vốn và lãi nhanh. Quan trọng hơn, đời sống bà con tiểu thương được ổn định, nhiều người xóa được đói, giảm được nghèo, làm ăn phát đạt, tiêu thụ được nhiều sản phẩm cho nông dân và bán được nhiều hàng cho xí nghiệp…
Có lẽ ở thời điểm những năm 90 của thế kỷ 20, không đâu đồng tiền NHNo Đồng Nai đầu tư lại tác động rõ nét như ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, một xã mới thành lập chủ yếu là dân di cư 'đủ mặt anh hào' từ 61 tỉnh, thành phố, đủ cả người dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Xtiêng, Khmer, Chil, Mạ, Cơ Ho… Sản phẩm chủ yếu của xã này là bắp lai, một dự án lớn của tỉnh Đồng Nai được NHNo 'dấn thân'. Ông Lê Minh Tú, Chủ tịch UBND xã Lang Minh dân chính gốc xứ Nghệ nói vui: 'Cách đây dăm ba năm làm gì có đường cho các anh đi xe vào xã, chứ đừng nói vào ấp. Nay thì các anh thấy 'đã khác xưa một chút rồi'. Tất cả đều do vốn vay ngân hàng mà có đó'. Cái 'đã khác xưa một chút rồi' mà chúng tôi được thấy là Lang Minh đã có đường ô-tô đi vào được các ấp, đến từng nhà, là những ruộng ngô bạt ngàn đang mùa bắp mảy, vườn cà-phê xanh ngát xen lẫn vú sữa, sầu riêng, chôm chôm đỏ quả, nhà mái ngói xi-măng hàng thẳng hàng hai bên đường, cách dăm bảy nhà đã thấy có những ngôi nhà xây mái bằng, mái chóp… xa xa thấp thoáng mái trường ngói đỏ vang vọng tiếng con trẻ học bài. Ông Tú đưa ra con số thống kê: Xã có 1.525 ha đất canh tác, có 1.398 hộ dân được vay tiền ngân hàng thông qua tổ liên đới sản xuất, năm 1998: 650 triệu đồng, năm 1999: 450 triệu đồng, sáu tháng năm 2000: 742 triệu đồng. Vay vốn dài hạn năm 2000 có 321 hộ: 3,162 tỷ đồng (nợ quá hạn chỉ có 16.000 đồng). Tôi tạt vào nhà ông Lê Công Nghiệp, một khách hàng vay vốn trung hạn năm 1999: 20 triệu đồng của Chi nhánh NHNo Xuân Lộc đầu tư vào 2,3 ha vườn cà-phê và cây ăn trái, nuôi hơn chục lợn nạc, nay chỉ còn nợ lại 4 triệu đồng. Ông Nghiệp nói: 'Nhờ ngân hàng cho vay vốn, làm ăn khấm khá, bà con đóng góp tiền làm đường, xây trường học cho cháu con, kéo điện về thôn có khó khăn gì đâu, chứ trước không có tiền lấy gì đóng góp'.
Trên đường từ Xuân Lộc về TP Hồ Chí Minh, mê cảnh mua bán trái cây tấp nập, chúng tôi ghé thăm vườn cây và trạm nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở ấp 2, xã Bình Lộc, huyện Long Khánh vào đúng lúc vợ chồng anh Hải đang thu bán chôm chôm. Vườn cây nhà anh chị Hải rộng 3,3 ha chủ yếu trồng sầu riêng, chôm chôm, đàn lợn trong chuồng thường xuyên 100 con, phân lợn sau khi sản xuất khí bi-ô-ga dùng để bón cây. Chị Hải luôn tay xếp từng chùm chôm chôm chín đỏ vào cần xé vừa vui chuyện: gia đình chị vay tiền ngân hàng từ năm 1996, mỗi năm từ 30 đến 60 triệu đồng, ba tháng trả lãi một lần, một năm trả phân nửa vốn, khi có nhu cầu lại vay. Lãi ròng tiền bán trái cây mỗi năm cũng được bốn, năm mươi triệu đồng, bán lợn lãi 120 – 150 triệu đồng. Gần nhà chị Hải là nhà anh chị Minh-Tuyết có 1,7 ha cà-phê và một trại nuôi lợn khá quy mô với 300 lợn siêu nạc. Chị Tuyết hướng dẫn chúng tôi thăm đàn lợn nái, chuyện vui hồ hởi: 70 con lợn nái này mỗi lứa tôi sẽ có 700 lợn con, vì vậy các anh chị thấy không, tôi phải thuê người làm và đầu tư xây thêm chuồng lợn 200 con nữa. Chị Tuyết cho biết, mỗi năm chị vay ngân hàng 150 – 200 triệu đồng, do lợn nạc đang bán được giá, mỗi con xuất chuồng trung bình 95 – 100 kg, trừ chi phí anh chị vẫn có lời 300 – 400 nghìn đồng/con/năm.
Kỷ niệm chuyến về Đồng Nai, tôi nhớ trong câu chuyện của đồng chí Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có một chi tiết: Những năm 1990-1991 NHNo Đồng Nai đã thực hiện nhiệm vụ 'cứu trợ' xuống các hộ buôn bán, hộ nông dân nghèo gặp thiên tai bất trắc để giải quyết nạn cho vay nặng lãi, đồng hành cùng với các đoàn thể thành lập tổ liên đới cho nông dân vay tiền đến tận xóm ấp. 'Lúc đó hoàn toàn chưa có sổ đỏ, sổ đen gì hết'. Hiệu quả là đẩy nhanh được công tác XĐGN, phát triển xã hội. Cũng như Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND đưa điện về nông thôn, tham gia dự án một triệu tấn đường, NHNo Đồng Nai đều vào cuộc nhanh và thực hiện sáng tạo cho hộ nông dân vay tiền làm đường, kéo điện vào từng nhà… Hai, ba năm sau đó, nhiều nơi mất mùa, nông dân không trả được nợ, UBND tỉnh đã ứng 16 tỷ đồng trả nợ cho nông dân, giảm nợ quá hạn cho ngân hàng. Đồng chí Nguyên cười tươi với các cán bộ ngân hàng có mặt, nói vui: Ngân hàng dám 'dấn thân' vì chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban, Tỉnh ủy, Ủy ban sao bỏ ngân hàng được. Thói thường, chuyện Tỉnh ủy, Ủy ban đốc thúc ngân hàng cho vay, giải ngân việc này việc kia thì nhiều, chuyện tỉnh Đồng Nai ứng tiền trả nợ thay nông dân để giảm nợ quá hạn cho ngân hàng quả thật hiếm. Đó là kết quả của những giải pháp: đưa ngân hàng xuống chợ, xuống ruộng, xuống vườn… một cách làm sáng tạo mà NHNo Đồng Nai thực hiện mang lại hiệu quả to lớn. Xin so sánh vài con số thống kê về hoạt động chủ yếu của NHNo Đồng Nai sau 10 năm đổi mới: Năm 2000 vốn huy động tại chỗ đạt 751,234 tỷ đồng gấp 20 lần năm 1990, doanh số cho vay 1.386,568 tỷ đồng gấp 10,6 lần, riêng cho vay trung hạn thực hiện 174,131 tỷ đồng gấp 183 lần, lợi nhuận năm 2000 đạt 12,104 tỷ đồng… Con số chẳng nói lên được điều gì nếu không có thực tiễn lợi ích xã hội kiểm nghiệm: Đó là hàng trăm nghìn hộ nông dân, hàng chục nghìn bà con buôn bán nghèo được vay vốn ngân hàng làm ăn đã qua được cơn khốn khó, xóa được đói giảm được nghèo, nhiều hộ làm ăn khấm khá trở nên giàu có. Những thôn, xóm hoang vắng đã có điện, đường, trường, trạm… nhờ có vốn vay từ ngân hàng mà kinh tế – xã hội nông thôn phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()