Có thể tiếp tục kéo dài chu kỳ đăng kiểm xe ô tô cá nhân?
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về việc điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ô tô cá nhân, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ giao các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu những yếu tố có liên quan phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và tham khảo các quy định quốc tế để kéo dài thời hạn đăng kiểm xe. Việc này liệu có khả thi và cần thêm những điều kiện, quy định nào?
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước có kiến nghị gửi Bộ GTVT đề nghị tiếp tục điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ô tô cá nhân theo hướng kéo dài thêm thời gian để vừa bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, vừa giảm bớt khó khăn về kinh phí, thuận tiện cho người dân. Bộ GTVT khẳng định sẽ giao các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu những yếu tố có liên quan (tuổi của xe, tần suất sử dụng, môi trường hoạt động...) phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, đồng thời tham khảo các quy định quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ đăng kiểm vào thời điểm phù hợp, nhằm vừa bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện vừa tạo thuận lợi cho người dân.
Bộ GTVT cho biết thêm, năm 2023 đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ô tô cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ phương tiện trong công tác đăng kiểm. Việc điều chỉnh này dựa trên các nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm của các tổ chức đăng kiểm quốc tế, đánh giá quá trình khai thác và một số yếu tố như tuổi của xe, các thành phần linh kiện, các hệ thống (treo, hệ thống lái, hệ thống phanh...) cũng như tần suất sử dụng xe, môi trường hoạt động của xe. Tần suất sử dụng xe và môi trường hoạt động của xe đều có tác động trực tiếp đến tuổi thọ, chất lượng, độ tin cậy của linh kiện. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi xe sử dụng tần suất cao, các bộ phận sẽ bị hao mòn, lão hóa nhanh hơn khi ít sử dụng. Ô tô hoạt động trong môi trường bụi bẩn, đất đá, độ ẩm cao và đường xấu, độ muối cao thì các linh kiện, cụm linh kiện và các hệ thống cũng sẽ hư hỏng nhanh hơn khi hoạt động trong môi trường khô ráo, sạch sẽ.
Đưa chiếc xe ô tô nhãn hiệu Hyundai i20 có tuổi đời 8 năm của mình đi đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-17D ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội), anh Nguyễn Hồng Quang (trú tại phường Thạch Bàn) cho biết hoàn toàn ủng hộ đề xuất xem xét kéo dài chu kỳ đăng kiểm. Theo anh Quang, hầu hết chủ xe đều đặt an toàn lên hàng đầu nên luôn bảo trì, bảo dưỡng xe đúng định kỳ và giữ gìn trong quá trình vận hành, sử dụng. Anh Quang cũng thường đưa xe vào hãng để bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng, linh kiện khi cần thiết. Anh cho rằng, với những chiếc xe như thế, có thể xem xét giãn chu kỳ đăng kiểm so với hiện nay thêm 6 tháng nữa. Cùng quan điểm, anh Phùng Tư Khoa ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) nêu ý kiến: “Chiếc xe Ford Fiesta của tôi mua từ năm 2014 nhưng mới đi 40.000km, mỗi tháng chỉ chạy mấy trăm ki-lô-mét, nhiều linh kiện, phụ tùng chưa đến hạn đã thay. Theo tôi, hoàn toàn có thể kéo dài chu kỳ kiểm định đối với những xe như thế. Việc xem xét giãn chu kỳ đăng kiểm với xe ô tô cá nhân cần căn cứ vào tần suất sử dụng xe và vì thế, cần phải có cơ chế giám sát việc này”.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-17D cho biết, hiện nay, việc đăng kiểm xe cơ giới được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BGVT ngày 2-6-2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGVT ngày 12-8-2021. Theo đó, xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải có chu kỳ kiểm định như sau: Thời gian sản xuất đến 7 năm (tuổi đời) thì chu kỳ kiểm định lần đầu là 36 tháng, chu kỳ định kỳ là 24 tháng; chu kỳ định kỳ đối với xe có tuổi đời từ 7 đến 20 năm là 12 tháng; từ 20 năm trở lên là 6 tháng. Việc thay đổi chu kỳ đăng kiểm xe phải dựa trên các căn cứ khoa học và các yếu tố như tuổi của xe, tần suất sử dụng, môi trường hoạt động... Chẳng hạn, cùng là xe cá nhân sử dụng có tuổi đời như nhau nhưng xe có tần suất sử dụng khác nhau thì chất lượng sẽ khác nhau. Vì thế, muốn kéo dài chu kỳ đăng kiểm thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có việc giám sát số ki-lô-mét đã đi, nhưng đến thời điểm này, đây vẫn là việc khó vì thợ sửa chữa ô tô hoàn toàn có thể tua công-tơ-mét và chỉ có hãng xe mới có thể kiểm tra, phát hiện được việc này, cũng chưa có cơ chế giám sát và chế tài xử lý. Hiện nay, Bộ Công an cũng đề xuất nghiêm cấm hành vi này trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo tiến tới giám sát tần suất sử dụng xe, thực hiện kéo dài chu kỳ đăng kiểm đối với xe ô tô cá nhân.
Bàn thêm về đề xuất này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Việc đưa vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hành vi cấm tua công-tơ-mét là hoàn toàn hợp lý. Bởi công-tơ-mét liên quan đến bảo dưỡng, bảo trì và tổng thể là sự an toàn. Nếu được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ cần ban hành các nghị định, văn bản để hướng dẫn thực thi cũng như quy định cụ thể việc xử lý, xử phạt đối với hành vi vi phạm”.
Ý kiến ()