Có thể đăng ký đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trực tuyến vào quý III/2022
Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng hình thức tham gia mới, hoặc chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc sang bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong nhóm các dịch vụ công trực tuyến cần sớm được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dịch vụ công này sẽ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, dự kiến áp dụng từ quý III năm 2022.
Đây là một trong những nội dung tại Quyết định số 422/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/4.
Theo đó, danh mục các thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo phụ lục I Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06) gồm có 25 thủ tục.
Cùng với đó, còn có Danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022. Đây là 14 nhóm dịch vụ công thiết yếu của cá nhân và 10 nhóm dịch vụ công thiết yếu của tổ chức.
14 nhóm dịch vụ công thiết yếu của cá nhân:
Xác nhận thông tin về cư trú; Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam; Công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam; Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (tham gia mới; chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc sang bảo hiểm xã hội tự nguyện); Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế; Thăm viếng mộ liệt sĩ (cấp giấy giới thiệu và thực hiện chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ); Mở rộng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các dịch vụ cung cấp điện còn lại (ngoài 2 dịch vụ đã hoàn thành: cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện); Liên thông nhóm thủ tục Đăng ký thành lập hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; Liên thông nhóm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh/chứng chỉ hành nghề dược và cấp phiếu lý lịch tư pháp; Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Liên thông nhóm thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp; Liên thông nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn; Nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến (gồm thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và thanh toán viện phí; Thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án); Nhóm dịch vụ công áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần (không bao gồm đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý); Đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với nhà thầu, nhà đầu tư; Nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và nhận các văn bản, thông báo tố tụng.
Trong các nhóm dịch vụ công nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp một số cơ quan liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế… thực hiện một số nhóm dịch vụ công thiết yếu của cá nhân. Thí dụ như: Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (tham gia mới; chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc sang bảo hiểm xã hội tự nguyện); thanh toán viện phí; giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần (không bao gồm đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý)
10 nhóm dịch vụ công thiết yếu của tổ chức:
Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đăng ký chỉ dẫn địa lý; Đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với doanh nghiệp; Hoàn thành kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia tạo thuận lợi trong tiếp cận, thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Nộp thuế, lệ phí trước bạ đối với doanh nghiệp; Kết nối, chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thực hiện các dịch vụ cung cấp điện cho doanh nghiệp; Liên thông nhóm thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển; Liên thông nhóm thủ tục xóa nợ nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ) trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính (do xóa nợ nghĩa vụ tài chính); Liên thông các thủ tục Đăng ký thành lập hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã và đăng ký thuế.
Ngoài những dịch vụ công được nêu trong Quyết định số 422 này, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt danh mục, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc phạm vi quản lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021.
Đồng thời, chỉ đạo Tổ công tác triển khai Đề án 06, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Quyết định này. Xử lý theo thẩm quyền cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ, không đạt mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Công an giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Quyết định này. Cùng với đó, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng về chính sách an sinh xã hội. Chính sách này đã thu hút khoảng 1,45 triệu người tham gia, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Năm 2022, mục tiêu đặt ra là nâng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 37%-38%. Chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng khoảng 53,6% so với thực hiện năm 2021.
Theo Nhandan
Ý kiến ()