Cơ sở y tế công lập: “Gồng mình” đảm bảo lương cho viên chức, lao động
- Tăng lương cơ sở là niềm vui của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có đội ngũ viên chức, nhân viên y tế. Nhưng đối với các cơ sở y tế công lập thực hiện tự chủ tài chính trên địa bàn tỉnh thì tăng lương lại trở thành bài toán khó khi chi tăng nhưng nguồn thu chưa được điều chỉnh kịp thời.
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng (theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang), tương đương mức tăng 30%. Trong đó, viên chức, lao động làm việc trong các cơ sở y tế công lập là một trong những đối tượng được hưởng mức tăng lương cơ sở nêu trên.
Thiếu hơn 37 tỷ đồng chi lương
Giai đoạn 2022 - 2026, ngành y tế tỉnh phấn đấu có 21 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện tự chủ tài chính, chia làm 3 nhóm: nhóm 1 (tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển); nhóm 2 (tự đảm bảo chi thường xuyên 100%); nhóm 3 (tự đảm bảo chi thường xuyên từ 10% đến dưới 100%).
Các đơn vị nhóm 1 và 2 tự đảm bảo chi thường xuyên, trong đó có chi lương cho hơn 1.000 người lao động. Đối với các đơn vị tự chủ nhóm 3 là 10 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thành phố và 3 bệnh viện tuyến tỉnh, ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi trả lương cho một số lượng biên chế nhất định, số còn lại giao cho đơn vị tự chi trả tùy thuộc vào mức độ tự chủ. Cụ thể, trong năm 2024, ngoài số lao động hợp đồng, các đơn vị tự chủ nhóm 3 được giao tự chi trả lương cho 880/1.367 viên chức.
Theo tổng hợp của Sở Y tế, khi thực hiện chi trả tăng lương theo quy định, trong năm 2024, số tiền lương 13 cơ sở khám chữa bệnh tự chủ tài chính nhóm 3 phải trả cho các đối tượng được giao hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp là hơn 107 tỷ đồng. Nguồn chi trả được lấy từ kết cấu tiền lương được tính trong giá dịch vụ khám chữa bệnh của đơn vị. Thế nhưng tiền lương kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh dự kiến thu được năm 2024 chưa đến 70 tỷ đồng và sẽ thiếu hơn 37 tỷ đồng so với nhu cầu thực tế.
Ngoài các đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3, các cơ sở y tế tự chủ tài chính nhóm 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và TTYT Bắc Sơn) cũng đang gặp khó khăn tương tự. Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dự kiến thiếu khoảng 12 tỷ đồng để chi lương cho nhân viên; TTYT Bắc Sơn thiếu hơn 2 tỷ đồng.
Bác sĩ Đặng Minh Kim, Phó Giám đốc phụ trách TTYT Bắc Sơn cho biết: Từ tháng 7/2024 đến nay, đơn vị cố gắng thu xếp nguồn thu chi để nhân viên y tế được hưởng lương theo quy định. Vì phải trang trải cho quỹ lương thì phụ cấp, thu nhập tăng thêm cho nhân viên sẽ xa vời hơn và thậm chí đơn vị còn không có kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, viên chức theo các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.
Nguyên nhân của những khó khăn nêu trên là do mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 nhưng tiền lương kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh đến nay vẫn tính theo mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.
Thêm vào đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh - nguồn thu chính của các cơ sở y tế trên địa bàn - đến nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ theo quy định. Theo Khoản 3, Điều 5, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Thực tế đến nay giá dịch vụ khám chữa bệnh mới tính được 2 thành phần gồm: chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Điều này một lần nữa làm cho các cơ sở y tế công lập gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ và trực tiếp nhất là vấn đề về đảm bảo chi lương cho nhân viên.
Loay hoay tìm nguồn
Trước thực tế đó, các cơ sở y tế đang phải loay hoay triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo chi lương cho nhân viên, người lao động. Trước tiên là sử dụng các nguồn kinh phí khác chưa đến hạn thanh toán như: kinh phí trả tiền thuốc, hoá chất, vật tư… để dành trả tiền lương cho người làm việc hưởng lương từ nguồn thu đối với số còn thiếu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán hợp đồng với các công ty dược.
Bác sĩ Nguyễn Thế Độ, Giám đốc TTYT Hữu Lũng chia sẻ: Năm 2024, TTYT huyện được giao tự chi trả lương cho 136/157 viên chức, lao động từ nguồn thu sự nghiệp với khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Để đảm bảo chi trả chúng tôi phải loay hoay tính toán sử dụng các nguồn kinh phí khác để đảm bảo chi lương nên rất khó đạt được mức độ tự chủ tài chính được giao.
Cùng với TTYT Hữu Lũng, các cơ sở y tế trên địa bàn khi loay hoay tính toán nguồn chi tăng lương cũng bị ảnh hưởng đến mức độ tự chủ tài chính. Đơn cử, đến tháng 6/2024, mức độ tự chủ tài chính của Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đạt 96% nhưng đến tháng 9/2024 (sau 3 tháng thực hiện chi tăng lương) giảm xuống còn 83%; TTYT Lộc Bình cũng giảm từ 89,4% xuống còn 83%... Thậm chí, TTYT Bắc Sơn đã đạt mức độ tự chủ 100% từ năm 2023 nhưng đến tháng 9/2024 cũng chỉ còn 99,6% và dự kiến hết năm 2024 vẫn tiếp tục giảm.
Khi nguồn thu không đủ chi tăng lương cho người lao động theo quy định, có đơn vị đã tính toán phương thức điều chỉnh cho người lao động theo nhiều mức khác nhau từ 6% đến 20% theo vị trí việc làm. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
Thực tế, nhiều người đã không đủ kiên nhẫn để gắn bó với nghề. Chị H.T.L, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thổ lộ: Tôi làm công việc hộ lý ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh được 20 năm. Trước đây là hợp đồng 68 (một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp được ban hành theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP) sau chuyển sang hợp đồng thời vụ. Khi nghe nói tháng 7/2024, Nhà nước điều chỉnh tăng lương 30%, cũng như những nhân viên khác, tôi rất vui mừng. Thế nhưng, Hội đồng xét nâng lương của bệnh viện thông báo chỉ tăng cho lao động hợp đồng theo 4 mức: 6%, 10%, 15%, 20% và tôi thuộc nhóm được tăng ít nhất. Tôi thực sự rất buồn và thất vọng. Đồng nghiệp của tôi có người đã đi làm ở nơi khác có mức thu nhập cao hơn.
Trước những khó khăn đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn đã chủ động rà soát lại thu chi; đề xuất kiến nghị cấp, ngành chức năng, các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm mức độ tự chủ, tăng kinh phí hỗ trợ. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện giá dịch vụ y tế phù hợp với tăng lương cơ bản, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ lao động ngành y tế.
Bà Vũ Thanh Tâm, Chuyên viên Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính cho biết: Chúng tôi cũng nắm bắt được những khó khăn của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo chi lương cho viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Do đó, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Sở Tài chính phối hợp Sở Y tế để tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh mức độ tự chủ cũng như số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời xem xét các nguồn lực để đầu tư trang thiết bị giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng nguồn thu, từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Thiết nghĩ, cùng với đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng các kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh cho người dân thì việc giữ chân y bác sĩ, người lao động có kinh nghiệm và đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp cơ sở y tế tăng thu, tăng mức độ tự chủ tài chính. Vì thế, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, thực hiện những giải pháp về cơ chế rõ ràng cho từng đơn vị y tế cơ sở có tính đặc thù vùng miền, tính toán giao chỉ tiêu tự chủ kinh phí phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp các cơ sở y tế tháo gỡ khó khăn về kinh phí, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Chung kết Hội thi điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y giỏi, thanh lịch
- Hội thảo khoa học giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại huyện Bắc Sơn
- Nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số
Ý kiến ()