Cơ sở vật chất trường lớp học ở Lộc Bình: Những “gam màu” sáng tối
LSO-Vượt qua thử thách của cơn bão số 5 đầu tháng 8/2013 và đợt mưa lớn đầu tháng 9/2013, ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình đã bước vào hoạt động bình thường với nhiều hy vọng mới về tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trường lớp học.
Công trình Trường Tiểu học Minh Khai có nguy cơ bị “đắp chiếu” dài ngày |
Nhìn từ những gam màu sáng
Năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình có 88 trường với trên 17.000 học sinh từ cấp học mầm non đến THCS. Toàn ngành có 740 phòng học, trong đó phòng kiên cố đạt 51% và còn tới 94 phòng học tạm, 108 phòng học nhờ, học chung… Về cơ bản các phòng học đã đảm bảo cho học sinh học tập bình thường; tuy nhiên để thay thế các loại phòng này, cần xây dựng 250 phòng học mới. Triển khai “ba tốt”, ngành tập trung cho việc tách, thành lập mới các trường mầm non, chuyển đổi một số trường phổ thông ở các xã ĐBKK thành các trường Phổ thông dân tộc bán trú, chuẩn bị các điều kiện cho một số trường đạt chuẩn và “nâng chuẩn”. Xác định vai trò quan trọng của cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp học, một mặt ngành và các địa phương tập trung các nguồn vốn từ các chương trình như chương trình 135 ở Lợi Bác, Tam Gia, Tĩnh Bắc; nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở Ái Quốc. Nguồn vốn từ công đoàn ngành, tiết kiệm chi thường xuyên và huy động sức dân đóng góp thêm để xây dựng các phòng học mầm non tại Quan Bản, Vân Mộng. Chủ động huy động sức dân để sửa chữa các phòng học tại Mẫu Sơn, Nam Quan bị tốc mái trong các cơn bão số 5 và số 6 vừa qua.
Ngoài các nguồn vốn trên để tăng cường CSVC cho các trường mầm non và trường Phổ thông dân tộc bán trú, Lộc Bình đang được thụ hưởng các nguồn vốn tập trung với quy mô lớn phục vụ cho các trường vươn lên đạt chuẩn hoặc nâng chuẩn. Đó là đầu tư gần 4,8 tỷ đồng cho trường tiểu học Minh Khai (thị trấn Lộc Bình) nâng chuẩn lên mức độ 2; đầu tư trên 9 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học Hòa Bình (thị trấn Lộc Bình) nhằm bàn giao trường cũ cho trường mầm non để mang lại hiệu quả “kép” cho trường tiểu học và mầm non của thị trấn. Đầu tư trên 15 tỷ đồng xây mới trường mầm non xã Đông Quan đạt chuẩn Quốc gia. Xây dựng phòng học, nhà đa năng, công trình vệ sinh cho trường tiểu học xã Đông Quan trị giá trên 3 tỷ đồng từ nguồn vốn SEQAP. Xây mới, sửa chữa phòng học và công trình phụ cho trường Tiểu học Tú Đoạn 1 để trường này có đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia…
Sự phối hợp nhiều nguồn đã tạo thành một nguồn lực quan trọng có tác dụng thúc đẩy việc tăng cường CSVC để giải quyết những việc cấp bách trước mắt và đầu tư mang tính lâu dài. Đây chính là những “gam màu sáng” trong bức tranh về CSVC của ngành GD&ĐT Lộc Bình đầu năm học mới.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, CSVC trường lớp học ở Lộc Bình cũng tồn tại nhiều vấn đề mang tính cấp thiết. Là trường THCS của một thị trấn trung tâm kinh tế chính trị văn hóa của một huyện đông dân, nhưng cơ ngơi của trường THCS thị trấn quá xập xệ. Toàn trường có 16 lớp với 530 học sinh, nhưng chỉ có 9 phòng học, trong đó có đến 8 phòng dưới cấp 4 đang trong thời kỳ hư hỏng nặng. Cô giáo Hoàng Thị Nha, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bây giờ nhiều trường THCS đã học 2 buổi/ngày, nhưng trường thị trấn vẫn phải học 2 ca vì không có lớp.” Các cô giáo ở đây cho biết, vào thời điểm nắng nóng, cả cô và trò mồ hôi vã đầm đìa trên trang giáo án và sách vở. Nhà trường đã mua quạt nhưng không thể treo được vì phòng học không có trần, mua quạt tường cũng không gắn được vì tường quá bở không thể giữ quạt. Khi gặp mưa lớn, cô và trò cứ líu ríu với ô và áo mưa ngay trong lớp học của mình.
Trong khi đó, trường Tiểu học Minh Khai (thị trấn) đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ năm 2005. Với mong ước “nâng chuẩn”, huyện đã quyết định phá bỏ dãy nhà học cũ đã xuống cấp và đầu tư xây mới dãy nhà học 2 tầng, nhà đa năng, bếp ăn một chiều và sửa chữa một số hạng mục. Tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ đồng, gồm 4,2 tỷ đồng vốn kinh phí sự nghiệp GD và trên 550 triệu đồng vốn ngân sách huyện. Công trình do huyện làm chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Thương mại- Xây dựng Nam Sơn. Theo quyết định, công trình được thi công tháng 11/2012 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2013. Trước sự chậm chễ của công tác thi công, thời gian hoàn thành được lui lại vào 30/7/2013. Tuy vậy, theo phản ánh của nhà trường, trong suốt 3 tháng qua, đơn vị thi công đã rút hết, chỉ để lại vài người thợ “trông coi” công trình dang dở chưa xây hết tầng 1 của nhà học và nhà đa năng cũng chỉ có mấy cái cột dựng chơ vơ. Khi chúng tôi đến làm việc với nhà trường, cảnh tượng nhà trường- công trường ngổn ngang, những đống đất cao như ngọn núi và tai nạn cứ rình rập từng ngày đối với các cháu học sinh nhỏ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, huyện đã hoàn thành “cam kết” vốn, nhưng phần vốn sự nghiệp giáo dục vẫn thiếu trên 2,7 tỷ đồng, và đây chính là lý do khiến công trình có nguy cơ bị “đắp chiếu” dài ngày. Cô giáo Trần Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Khai than phiền: “Đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chưa hết vui vì được đầu tư, nay lại buồn vì sự dang dở trong xây dựng đã cản trở các hoạt động bình thường của nhà trường”. Không chỉ có ở thị trấn, mà tại các trường đã có mặt bằng như THCS xã Xuân Tình, Nam Quan do quá chậm trễ trong đầu tư nên người dân quá “xót đất” bỏ không từ 4 năm nay, nên đã và đang rục rịch đòi lại.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Vi Văn Quốc, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình mong rằng ngành GD&ĐT Lạng Sơn cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng trường lớp học ở địa phương, để các nhà trường vững tâm thực hiện nhiệm vụ cao quý của mình.
Ý kiến ()