Cơ sở sản xuất phở Hoàng Quyên: Nâng cao giá trị cho sản phẩm truyền thống
(LSO) – Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) lần 1 năm 2020, phở tươi và phở khô Hoàng Quyên, thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình là 2 sản phẩm đạt 3 sao. Đây là động lực quan trọng để cơ sở tiếp tục quan tâm xây dựng, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống.
Năm 2016, vợ chồng chị Vi Thị Ngọc Quyên nối nghiệp gia đình với nghề tráng bánh phở. Chị Quyên chia sẻ: Bánh phở của chúng tôi sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương gồm: gạo bao thai hồng và nguồn nước sạch Mẫu Sơn. Khác với nhiều cơ sở tráng bánh bằng máy, chúng tôi vẫn giữ gìn phương pháp tráng bánh thủ công, sử dụng bếp củi, qua đó tạo nên bánh phở thơm ngon, dẻo dai.
Thời gian đầu, cơ sở chỉ sản xuất 40 kg phở/ngày, cung cấp cho một số quán phở trên địa bàn với giá bán trung bình 13.000 đồng/kg (cao hơn bánh phở tráng máy 2.000/kg). Theo thời gian, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, đơn đặt hàng nhiều hơn nên cơ sở đã tăng năng suất và mở rộng thị trường. Đến nay, cơ sở sản xuất 400 kg phở/ngày, phân phối cho các quán ăn trên địa bàn huyện Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn, các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng.
Cơ sở Hoàng Quyên luôn duy trì phương pháp tráng bánh thủ công, sử dụng lò củi để mang đến những sản phẩm chất lượng cho thị trường
Để nâng tầm giá trị sản phẩm, năm 2018, cơ sở Hoàng Quyên đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch cho sản phẩm. Tháng 9 vừa qua, cơ sở đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Bánh phở gia truyền dân tộc Nùng Hoàng Quyên”.
Xuất phát từ hạn chế phở tươi chỉ sử dụng trong ngày, năm 2018, cơ sở đã đưa ra thị trường sản phẩm phở khô (cao khô). Cơ sở sử dụng nguyên liệu tại địa phương, thực hiện theo quy trình sản xuất truyền thống,kết hợp phương pháp sấy hiện đại khép kín. Qua đó, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo năng suất trung bình 200 kg/tuần.
Bà Hoàng Thị Mai, khối 6, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, gia đình đã sử dụng nhiều loại cao khô, tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây, phở khô Hoàng Quyên được ưa chuộng hơn cả. Khi nấu, nước phở trong, sợi phở dầy, dẻo dai, thơm mát.
Trên thực tế, nghề làm bánh phở không những góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình chị Quyên mà còn góp phần giữ gìn, mở rộng diện tích trồng lúa bao thai hồng Lộc Bình. Hiện nay, cơ sở đã trở thành điểm thu mua gạo bao thai của hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã Đồng Bục và một số xã lân cận. Bên cạnh đó, cơ sở cũng liên kết với các xưởng gỗ bóc thu mua phế phẩm làm củi đốt.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Cơ sở sản xuất bánh phở tươi và phở khô Hoàng Quyên là một trong những cơ sở sản xuất tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong dịp đánh giá, phân loại vừa qua, 2 sản phẩm OCOP của cơ sở đạt 3 sao. Đây vừa là niềm vui, vừa là cơ sở quan trọng để gia đình tiếp tục quan tâm nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản phẩm ra tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Hằng năm, cơ sở bán ra thị trường hơn 140 tấn phở tươi và hơn 10 tấn phở khô. Sau khi trừ chi phí đạt thu nhập 500 triệu đồng/năm. |
Ý kiến ()