Cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên: Nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống
– Bánh khảo Tràng Định từ lâu đã nổi tiếng với khách hàng ở trong và ngoài tỉnh bởi độ thơm, ngon khó lẫn với bánh khảo ở các vùng quê khác. Chính vì vậy, những năm qua, cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên, thôn Nà Nghiều, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từ đó, đem lại thu nhập cao cho cơ sở và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.
Một ngày cuối tháng 5/2022, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên trong lúc các nhân viên của cơ sở đang tất bật sản xuất để kịp thời giao bánh cho khách đã đặt hàng. Bà Đổng Tất Liên, chủ cơ sở chia sẻ: “Làm bánh khảo là nghề truyền thống của gia đình nên từ năm 14 tuổi tôi đã thành thạo các công đoạn làm bánh. Với mong muốn lưu giữ, phát triển nghề làm bánh khảo truyền thống của cha ông để lại, quảng bá đặc sản địa phương và tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại xã, từ năm 2010, gia đình tôi đã phát triển nghề theo hướng hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Chủ cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên đóng gói bánh khảo
Theo đó, để sản xuất bánh khảo, cơ sở chú trọng đến nguồn nguyên liệu làm bánh. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp cái Ong vàng được sản xuất trong huyện, đỗ xanh, đường… để sản xuất bánh khảo. Để nâng cao giá trị sản phẩm, từ năm 2021, cơ sở cũng chủ động đáp ứng các điều kiện để tham gia chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đó, cơ sở đã chú trọng cải tiến trong từng khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Hiện trên địa bàn xã có gần 10 cơ sở sản xuất bánh khảo, trong đó cơ sở Tất Liên có quy mô sản xuất bánh khảo lớn nhất. Những năm qua, cùng với sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã, cơ sở không chỉ lưu giữ nghề truyền thống mà còn rất chủ động xây dựng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, giữa tháng 4/2022, sản phẩm bánh khảo nhân đỗ xanh của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên ở xã.
Để thu hút khách hàng, cơ sở đã chú trọng đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm. Năm 2021, cùng với nguồn vốn đối ứng của cơ sở và hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cơ sở đã in 500 túi đựng sản phẩm; Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 20.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của cơ sở được bán trên sàn thương mại điện tử voso.vn, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở không chỉ sản xuất bánh khảo vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm mà đã sản xuất quanh năm, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến hơn, thị trường tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc và mở rộng đến các tỉnh, thành như: Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt có khách ở nước ngoài như: Mỹ, Canada, Trung Quốc cũng thường xuyên đặt hàng của cơ sở. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất từ 150.000 đến 180.000 phong bánh khảo nhân đỗ xanh, doanh thu đem lại trên 1 tỷ đồng.
Anh Lê Quang Trung, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: Trước đây, khi có dịp lên Lạng Sơn du lịch, tôi biết đến bánh khảo của cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên. So với bánh khảo ở những nơi khác, tôi thấy bánh khảo Lạng Sơn nói chung và bánh khảo Tất Liên nói riêng có hương vị rất đặc trưng bởi vị thơm của gạo nếp, vị ngọt sắc của đường phên và nhân đỗ xanh. Đặc biệt, mặc dù ở Hà Nội nhưng tôi thường xuyên đặt mua bánh của cơ sở này trên các sàn thương mại điện tử rất thuận tiện để ăn hoặc làm quà biếu.
Ông Lương Văn Hữu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở sản xuất bánh khảo truyền thống, trong đó, cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên là một cơ sở sản xuất với số lượng nhiều để cung cấp cho thị trường. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là động lực để cơ sở tiếp tục sản xuất, phát huy, bảo tồn sản phẩm bánh truyền thống của huyện Tràng Định.
Được biết, thời gian tới, cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bánh khảo, cung cấp sản phẩm truyền thống ra thị trường với số lượng lớn hơn để tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()