Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập: Tạo chữ “tín” để phát triển
Bữa ăn trưa của học sinh mầm non Trường dân lập Nguyễn Toài (Đồng Đăng)
THẬN TRỌNG TRONG HỢP ĐỒNG GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN
Được thành lập từ năm 1995, cơ sở GDMN Phong Linh, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc vẫn “giữ nhịp” trong công tác chăm sóc và dạy dỗ trẻ thơ. Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thanh Thúy, chủ cơ sở nói rằng: trong suốt 20 năm hoạt động, với lưu lượng 150 trẻ/năm học gồm đủ các lứa tuổi từ các cháu nhỏ 2 tuổi đến lớp mẫu giáo 5 tuổi, bao giờ nhà trường cũng đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Vì vậy suốt 20 năm qua, chưa bao giờ xảy ra tình trạng mất an toàn và bạo hành trẻ em. Trường Mầm non Tuổi Thơ, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997 với lưu lượng hằng năm từ 420-450 trẻ. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh tình trạng bạo hành xảy ra, nhà trường đã tiến hành tuyển chọn giáo viên một cách kỹ càng từ khâu duyệt hồ sơ đến khâu phỏng vấn. Cô Hà Thị Vân, chủ trường cho chúng tôi biết: là trường lớn, yêu cầu số lượng lớn giáo viên, nhân viên; việc tuyển chọn đội ngũ nhiều khi cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì “sức ép” số lượng mà nhà trường giảm điều kiện về trình độ và đạo đức. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 trường và 14 cơ sở mầm non ngoài công lập với trên 2.140 trẻ; riêng khu vực thành phố Lạng Sơn có 6 trường và 12 cơ sở, thu hút trên 30% số trẻ trên địa bàn.
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ
Tại các trường và cơ sở này có gần 200 giáo viên nhân viên làm công tác nuôi dạy trẻ. Tuy chế độ chưa thể bằng các trường công lập song đã xác định đây là “cái nghiệp” của cuộc đời nên họ đều yêu trẻ, yêu nghề, tận tâm với công việc. Cô giáo Bùi Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: nhà trường có 17 giáo viên với trình độ vừa “đủ chuẩn”, song các cô vào dạy tại trường trước hết vì lòng yêu nghề mến trẻ và muốn có được việc làm ổn định nên khi được dạy học, các cô hết lòng thương yêu học sinh như chính những đứa con ruột thịt của mình. Chị Nông Thị Hiến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thần tiên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn là một người đã từng giảng dạy tại Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Khi nhận làm Hiệu trưởng nhà trường, ngoài công việc quản lý, chị còn truyền đạt cho các giáo viên kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác, lòng yêu người, yêu trẻ cho các giáo viên trẻ. Vì vậy, mặc dù có đến 1/3 giáo viên chưa đạt chuẩn, họ vẫn có khả năng và tinh thần làm việc đạt hiệu quả cao. Ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn, giáo dục tinh thần, thái độ làm việc, thực hiện chi trả chế độ cho đội ngũ, nhiều nhà trường còn gắn camera ghi hình tại các lớp và truyền về phòng làm việc của ban giám hiệu. Qua hệ thống tín hiệu trung thực, rõ ràng, ban giám hiệu và chủ trường nắm tình hình hoạt động ở các lớp, khu vực ăn, nghỉ bán trú của các cháu. Cũng nhờ biện pháp này nhà trường kịp thời can thiệp, chấn chỉnh giáo viên khi có vấn đề xảy ra; những hình ảnh hoạt động của trẻ cũng được cung cấp cho phụ huynh khi có yêu cầu.
Với các giải pháp đồng bộ trong tuyển chọn, giáo dục đội ngũ và các giải pháp kỹ thuật khác, trong nhiều năm qua, trẻ em học tập tại loại hình mầm non ngoài công lập luôn an toàn, phát triển tốt về thể chất cũng như tinh thần; trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp trẻ bị thất lạc, bị hành hạ, đối xử tàn bạo. Điều này đã được ngành GD-ĐT đánh giá cao.
Ý kiến ()