Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại thành phố: Khó khăn mùa dịch
– Thành phố Lạng Sơn là địa bàn có nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (CSGDMNNCL), (7/7 trường mầm non ngoài công lập của tỉnh đều nằm trên địa bàn thành phố). Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, các CSGDMNNCL trên địa bàn thành phố đang gặp phải nhiều khó khăn, “lao đao” vì dịch.
Trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3/2022), Trường Mầm non An Bình, phường Đông Kinh đã phải xin dừng hoạt động 2 lần với thời gian gần 1,5 tháng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2021 – 2022, nhà trường có 10 lớp với hơn 300 học sinh. Nhưng do dịch bệnh từ sau tết đến nay, chúng tôi chỉ duy trì 2 – 3 lớp với 30 đến 40 trẻ. Các chi phí bảo trì cơ sở vật chất, điện nước, lương, bảo hiểm giáo viên, nhân viên chúng tôi vẫn phải chi trả, nhưng nguồn thu hạn chế, chủ cơ sở bỏ tiền túi bù lỗ để duy trì hoạt động của trường.
Cô và trò lớp 5 tuổi, Trường Mầm non An Bình trong giờ học cắt dán hình khối
Cũng rơi vào tình cảnh “thu không đủ chi”, Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên, phường Chi Lăng cũng đang “chật vật” vì dịch bệnh. Bà Hà Thị Thuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nhà trường có 25 nhân viên, giáo viên, với mức lương trung bình trên 4 triệu đồng/tháng/người. Nhưng do ảnh hưởng của dịch, học sinh ít, nên chúng tôi phải bố trí cho nhân viên, giáo viên luân phiên nhau đi làm, 1 ngày chỉ có 7/25 người đi làm. Thu nhập của nhân viên, giáo viên giảm hơn 50% so với bình thường. Từ tháng 12/2021 đến nay, trường có 2 cô giáo xin nghỉ việc để làm việc khác.
Không riêng hai cơ sở trên, theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, hiện thành phố có 7 trường mầm non ngoài công lập, 2 cơ sở mầm non ngoài công lập, 13 nhóm trẻ độc lập, với hơn 200 giáo viên, 2.000 trẻ. Riêng trong tháng 3/2022, có 4 trường mầm non ngoài công lập xin dừng hoạt động 1 tháng; 2 trường, 1 cơ sở xin dừng hoạt động 1 tuần. Tỷ lệ học sinh mầm non đi học sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay dưới 10%, trong khi kỳ I năm học 2021 – 2022, tỷ lệ này còn đạt trên 80%.
Khác với trường mầm non công lập, được Nhà nước chi trả các chi phí hoạt động, trả lương cán bộ, giáo viên, nhân viên, các CSGDMNNCL phải tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi. Do đó, khi không có học sinh đi học thì các cơ sở này đều gặp khó khăn trong trang trải các chi phí. Từ thuê mặt bằng, duy trì cơ sở vật chất, thanh toán điện, nước, trả lương giáo viên, nhân viên… Nhiều cơ sở lấy “tiền túi” bù lỗ, duy trì hoạt động.
Các giáo viên mầm non ngoài công lập cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hằng tháng, giáo viên chỉ được hưởng 50% tiền lương, được hỗ trợ một khoản tiền nhỏ hoặc không được hưởng lương nếu nghỉ dịch kéo dài, luân phiên nhau lên lớp. Nhiều cô phải làm thêm để kiếm thêm thu nhập… Cô Hoàng Thị Tươi, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ, phường Tam Thanh cho biết: Bình thường không có dịch, lương của tôi được từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, nếu các chị em ở trọ, cũng phải tiết kiệm, làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống. Bây giờ do dịch, đặc biệt trong 3 tháng gần đây, lương của tôi chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải các chi phí. Do đó, tôi đã nhận làm cộng tác viên bán quần áo online để có tiền nuôi con nhỏ. Nhà trường rất tạo điều kiện cho chúng tôi thay nhau đi dạy để ít nhất ai cũng có thu nhập, đồng thời, tết chị em cũng được ứng lương mới có tiền tiêu. Tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp đối với giáo viên mầm non ngoài công lập như chúng tôi.
Trước khó khăn của các CSGDMNNCL, Phòng GD&ĐT thành phố đã đề xuất với Sở GD&ĐT tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng, triển khai những gói hỗ trợ riêng đối với các cơ sở này trong mùa dịch. Đồng thời, phòng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ sở rà soát, lập danh sách giáo viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND, ngày 13/3/2018 của UBND tỉnh về ban hành quy định thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ loại hình GDMNNCL; hay Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (NQ 68). Đơn cử trong năm 2021, thành phố có 137 giáo viên tại các CSGDMNNCL được nhận hỗ trợ theo NQ 68 với mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đồng đến hơn 3,7 triệu đồng/người.
Bà Liễu Thị Thưởng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: Trước những khó khăn của các CSGDMNNCL trong mùa dịch, phòng đã thường xuyên động viên, quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở linh hoạt bố trí, điều chuyển giáo viên, duy trì hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường.
Dịch bệnh kéo dài, các CSGDMNNCL vẫn đang đứng trước những khó khăn, mong rằng các cấp, ngành tiếp tục có giải pháp hỗ trợ thiết thực, chính sách đặc thù để các cơ sở ổn định hoạt động, vượt qua đại dịch.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()