Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage: Thêm thủ tục cấp phép để tăng hiệu quả quản lý
(LSO) – Theo quy định hiện hành, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, xoa bóp (massage) không thuộc đối tượng phải có giấy phép hoạt động (GPHĐ). Không có thủ tục hành chính (TTHC) này đã gây khó khăn trong công tác quản lý của ngành chức năng.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, do đó, những năm gần đây, nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Mặc dù không có số liệu tổng hợp chính xác nhưng các cơ sở này tập trung nhiều nhất tại thành phố Lạng Sơn. Chị Hoàng Hải Yến, chuyên viên Văn phòng HĐND&UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian gần đây, số lượng cơ sở chăm sóc sắc đẹp hoạt động tại địa bàn thành phố tăng theo từng năm. Qua rà soát sơ bộ, hiện, thành phố có 26 cơ sở đang hoạt động (đã đăng ký kinh doanh). Ngoài ra còn một số cơ sở hoạt động nhưng chưa đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động theo hình thức di động…
Nhân viên cơ sở thẩm mĩ, spa tại đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh chăm sóc khách hàng
Mặc dù cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage hoạt động ngày càng nhiều song theo quy định hiện hành thì các cơ sở này không thuộc loại hình phải cấp GPHĐ. Cụ thể tại Điều 37, Điều 38 Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ “Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp GPHĐ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” chỉ yêu cầu các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage phải có văn bản thông báo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự gửi đến sở y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động 10 ngày.
Nghị định cũng quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Đối với cơ sở dịch vụ massage thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật ở đây phải là bác sỹ hoặc y sỹ hoặc kỹ thuật viên thuộc một trong các chuyên ngành: phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền hoặc có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu hoặc y học cổ truyền. Trường hợp có chỉ định thuốc thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là bác sỹ các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền.
Quy định là như vậy nhưng thực tế rất ít cơ sở gửi thông báo hoạt động đến Sở Y tế. Thậm chí có cơ sở đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ phun, xăm, thêu trên da nhưng đã “lấn” sang cả dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như: nhấn và cắt mí mắt, nâng mũi, bơm môi… Trên các mạng xã hội (facebook, zalo, …) thường xuyên xuất hiện thông tin, quảng cáo về các dịch vụ làm đẹp khiến không ít người lầm tưởng đây là những cơ sở đã được cấp GPHĐ và tin tưởng bỏ tiền ra làm đẹp. Một số cơ sở massage trong tỉnh không đáp ứng đúng quy định về tiêu chuẩn của người chịu trách nhiệm hoặc nhân viên.
Để quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage, tháng 8/2017, Sở Y tế Lạng Sơn có văn bản chỉ đạo phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, xoa bóp và yêu cầu các cơ sở này có văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động gửi về sở trước 10 ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sở mới tiếp nhận được thông báo hoạt động của 5 cơ sở tại địa bàn thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và huyện Bình Gia.
Bà Hoàng Thị Kim Đào, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: Không có GPHĐ thì việc quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage rất khó khăn giống như “không có tóc để túm”. Đơn cử các cơ sở này không có hồ sơ xin cấp phép mà chỉ có thông báo hoạt động thì khi vi phạm, sở không có căn cứ để kiểm tra, thu hồi giấy phép.
Trước những bất cập của quy định như trên, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế cần căn cứ vào tình hình thực tế để rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định và công bố TTHC cấp GPHĐ đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage. Việc này nên làm ngay trong đợt rà soát TTHC năm 2019.
Ý kiến ()