Cơ sở chế biến quả mắc mật khô Tuệ Linh: Góp phần nâng cao giá trị quả mắc mật
– Thời gian qua, cơ sở chế biến quả mắc mật khô Tuệ Linh (khối phố Cam Thủy, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia) đã đầu tư chế biến quả mắc mật khô. Sản phẩm sản xuất ra không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần tạo đầu ra, nâng cao giá trị quả mắc mật trên địa bàn.
Năm 2016, cơ sở chế biến Tuệ Linh đi vào hoạt động, chủ yếu thu mua và sơ chế hoa hồi. Đến năm 2020, nhận thấy mắc mật là cây trồng bản địa có từ rất lâu đời trên địa bàn huyện Bình Gia, tuy nhiên, các sản phẩm từ loại quả này chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là người dân tự trồng và mang quả tươi ra chợ bán nên hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để mua các thiết bị phục vụ chế biến và thu mua quả mắc mật tươi của bà con trên địa bàn huyện để chế biến sản phẩm quả mắc mật khô.
Nhân viên Cơ sở Tuệ Linh đóng gói sản phẩm quả mắc mật khô giao cho khách
Ông Trần Văn Hùng, chủ cơ sở chế biến quả mắc mật khô Tuệ Linh chia sẻ: Quả mác mật là thực phẩm sạch dùng làm gia vị chế biến nhiều món ăn nổi tiếng ở Lạng Sơn như: măng ớt, vịt quay, lợn quay… Ngoài ra, quả mắc mật còn được biết đến là có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người như: giảm đau tốt, ức chế men gan… Để làm ra sản phẩm quả mắc mật khô nhưng vẫn giữ nguyên hương vị và giá trị dinh dưỡng, cơ sở đặc biệt chú ý đến khâu lựa chọn quả ngay từ ban đầu. Quả đạt tiêu chuẩn phải sạch, căng, mọng, không dập nát, sau đó được phơi khô rồi mới đem vào lò sấy. Năm 2021, được sự quan tâm, hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cơ sở đã được hỗ trợ tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, lọ đựng và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Bên cạnh đó, cơ sở đã chủ động cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến.
Từ năm 2020 đến nay, cơ sở đã thu mua trên 20 tấn mắc mật của người dân trên địa bàn huyện. Trong năm 2021, cơ sở đã bán và tiêu thụ ra thị trường trên 5 tấn mắc mật khô đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động thường xuyên và 4 đến 6 lao động thời vụ.
Nhờ tăng cường quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội (zalo, facebook…) và sàn thương mại điện tử Postmart.vn; thông qua các hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm mà thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở ngày càng được mở rộng. Đến nay, sản phẩm quả mắc mật khô Tuệ Linh không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà còn được khách hàng ngoài tỉnh như: Nghệ An, Bắc Giang, Hà Nội… tìm mua và sử dụng.
Chị Nông Thanh Diệu, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội chia sẻ: Là người con Xứ Lạng xa quê, điều làm tôi nhớ nhất chính là hương vị ngọt, chua, thanh thanh rất đặc trưng của quả mắc mật nơi quê nhà. Sau khi được trực tiếp tới tham quan cơ sở chế biến quả mắc mật khô Tuệ Linh tôi thấy hoàn toàn an tâm và tin tưởng chất lượng sản phẩm. Cứ vài tháng tôi lại đặt mua từ 0,5 đến 1 kg mắc mật khô với giá bán 80.000 đồng/0,5 kg làm quà cho người thân và bạn bè.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, cơ sở sẽ tập trung nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm; điều chỉnh trọng lượng từng túi sản phẩm để phù hợp với từng phân khúc khách hàng… Hiện nay, cơ sở đang nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm bột mắc mật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắc mật khô Tuệ Linh đến các cửa hàng, đại lý, siêu thị và trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Cơ sở chế biến quả mắc mật khô Tuệ Linh mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đã bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Đến tháng 4/2022, sản phẩm quả mắc mật khô Tuệ Linh được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, phòng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm của cơ sở được quảng bá rộng rãi tại các phiên chợ, tuần lễ trưng bày sản phẩm địa phương nhằm tạo chỗ đứng ổn định trên thị trường.
Ý kiến ()