Cơ sở chế biến nông sản hữu cơ Lụa Vi: Nâng cao giá trị nông sản
(LSO) – Thời gian qua, với sự nhạy bén thị trường, cơ sở chế biến nông sản hữu cơ Lụa Vi (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng) đầu tư sản xuất trà diếp cá, mướp đắng, bột bí đỏ. Các sản phẩm sản xuất ra không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần tạo đầu ra, nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.
Những ngày giữa tháng 7/2020, đến cơ sở chế biến nông sản hữu cơ Lụa Vi, chúng tôi chứng kiến 8 lao động khẩn trương thực hiện các công đoạn chế biến bí đỏ thành bột và đang sấy diếp cá, mướp đắng. Chị Vi Thị Lụa, chủ cơ sở sản xuất biết: Qua thực tế tìm hiểu, nhu cầu thị trường khá cao về các sản phẩm nước uống giải nhiệt, giảm huyết áp, thực phẩm chức năng làm đẹp (đắp mặt nạ) có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp và nhận thấy trên địa bàn xã, vùng lân cận có sẵn nguồn nguyên liệu (bí đỏ, mướp đắng, rau diếp cá) thuận tiện cho chế biến, từ tháng 5/2019 cơ sở đã mạnh dạn thu mua, chế biến quả bí đỏ thành bột bí đỏ sấy khô để làm bột ăn dặm cho bé, pha sữa uống cho người muốn tăng cân, làm bánh, đặc biệt bột bí đỏ chế biến thành phẩm để làm đẹp da. Trà mướp đắng (từ quả mướp đắng) và trà diếp cá (từ cây rau diếp cá). Các sản phẩm sản xuất có đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc.
Chị Vi Thị Lụa, Chủ cơ sở chế biến nông sản hữu cơ Lụa Vi sản xuất trà diếp cá
Để có nguồn nguyên liệu chế biến, cơ sở thu mua nông sản của người dân trong xã và các xã khác trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán của chị Lụa, sau khi chế biến thành phẩm, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp trên tăng từ 7 đến 8 lần. Hiện nay, sản phẩm sản xuất ra không đủ cung ứng ra thị trường. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, cơ sở đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số hộ trên địa bàn xã, thời gian tới, cơ sở tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm bí đỏ, mướp đắng, rau diếp cá với hộ dân ở các xã khác trên địa bàn.
Chị Lụa cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2020 nhưng cơ sở đã thu mua trên 30 tấn bí đỏ, trên 10 tấn rau diếp cá, 6 tấn mướp đắng và tiêu thụ gần 10.000 gói trà diếp cá, trên 5.000 gói trà mướp đắng, trên 1 tấn bột bí thành phẩm; tạo việc làm ổn định cho 5 công nhân và lao động thời vụ với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, tôi tiếp tục xây dựng nhà xưởng, thành lập công ty để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Hoàng Văn Hào, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu vườn bãi, trước đây, tôi trồng khoai tây, dưa hấu, nhưng việc tiêu thụ khó khăn, giá cả không ổn định. Hiện nay, tôi chuyển sang trồng mướp đắng, rau diếp cá, bí đỏ. Sản xuất các loại cây này tôi yên tâm về đầu ra, giá cả vì được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với cơ sở chế biến nông sản hữu cơ Lụa Vi.
Theo ông Hoàng Văn Chích, Chủ tịch UBND xã Quan Sơn, cơ sở chế biến nông sản hữu cơ Lụa Vi mới đi vào hoạt động nhưng đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn. Thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để chị Lụa xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất.
“Mô hình sản xuất của chị Vi Thị Lụa là mô hình mới, bước đầu cho kết quả tốt. Mô hình không chỉ góp phần tiêu thụ sản phẩm mà còn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, cơ sở đi vào sản xuất ổn định sẽ góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện”. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng |
Ý kiến ()