Cơ quan ngành dọc giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp: Từng bước phát huy hiệu quả
– Sau 2 năm triển khai việc đưa thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan ngành dọc ra tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại bộ phận “một cửa” các cấp đã mang lại hiệu quả tích cực tại Lạng Sơn, giúp tổ chức, người dân thuận tiện khi thực hiện.
Toàn tỉnh hiện có 88 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ngành dọc đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục (14 TTHC của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, 22 TTHC của Công an tỉnh, 52 TTHC của Bảo hiểm xã hội tỉnh – BHXH), hiện có 84 TTHC còn hiệu lực thi hành. Đối chiếu với danh mục tại Quyết định 1291/QĐ-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục TTHC của các cơ quan ngành dọc đưa ra tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” các cấp, đến nay, số lượng TTHC cơ quan ngành dọc đã đạt và vượt, ví như lực lượng quân đội, công an đạt 100%, ngành BHXH đạt 188% (vượt 34 TTHC và vượt 88% so với yêu cầu). Trong đó, 39 TTHC (14 TTHC của Công an tỉnh, 25 TTHC của BHXH tỉnh) giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh; 33 TTHC (8 TTHC của Công an tỉnh, 25 TTHC của BHXH tỉnh) giải quyết tại bộ phận “một cửa” cấp huyện; 12 TTHC của Bộ Chỉ huy quân sự giải quyết tại bộ phận “một cửa” cấp xã.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận hồ sơ TTHC cho người dân tại Trung tâm PVHCC
Ông Hoàng Hữu Quang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Chúng tôi đã chủ động bám sát các quyết định công bố của ngành để kịp thời điều chỉnh và bổ sung danh mục TTHC đưa ra thực hiện tại bộ phận “một cửa” các cấp. Nhờ đó, từ năm 2019 đến hết năm 2021, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 1.355.136 hồ sơ, đã giải quyết 1.330.127 hồ sơ, trong đó có 1.272.558 hồ sơ được giải quyết đúng hạn, đạt 93,9%; còn 57.569 hồ sơ quá hạn (do cần thực hiện các nghiệp vụ để xác minh hồ sơ, chủ yếu là hồ sơ của lao động làm việc ngoài địa bàn tỉnh).
Có được kết quả như vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh. Ông Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh cho biết: Văn phòng UBND tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan ngành dọc khẩn trương thực hiện các nội dung cần thiết để bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện theo danh mục đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan ngành dọc trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC, quy trình nội bộ giải quyết TTHC theo đúng quy định. Theo đó, từ năm 2020, các cơ quan: Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, BHXH tỉnh bắt đầu thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị các ngành thực hiện một số nhiệm vụ như: bố trí từ 2 đến 4 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các bộ phận “một cửa”; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Ông Hứa Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Cao Lộc cho biết: Văn phòng đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện bố trí 1 phòng riêng rộng hơn 40 m2, trang bị máy tính kết nối Internet… để cán bộ Công an, BHXH huyện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC cho người dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ làm việc tại Trung tâm PVHCC tỉnh; đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền thông tin về giải quyết TTHC của các cơ quan ngành dọc qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, các ứng dụng facebook, zalo… để tổ chức, cá nhân biết, thực hiện. Nhờ đó, trong hai năm: 2020 và 2021, tại bộ phận “một cửa” các cấp đã có 1.385.313 hồ sơ TTHC của 3 đơn vị ngành dọc được tiếp nhận và giải quyết, trong đó, năm 2020 là 489.226 hồ sơ, năm 2021 là 896.087 hồ sơ, trên 90% các hồ sơ đã được giải quyết đúng thời hạn, đem lại sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức.
Chị Vi Thị Phương Hạnh, khu Na Dương Bản, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Mới đây, tôi đến Trung tâm PVHCC tỉnh làm hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bị mất. Tôi thấy việc đưa TTHC của bảo hiểm ra giải quyết tại đây là rất phù hợp vì ở đây trụ sở khang trang, rộng rãi, thiết bị đầy đủ hơn. Hơn nữa, đến đây, tôi còn có thể tham khảo thêm việc thực hiện các TTHC ở các lĩnh vực khác như: tư pháp, cấp căn cước công dân, đăng ký lắp điện…
Việc đưa các TTHC ngành dọc ra thực hiện tại bộ phận “một cửa” các cấp đã từng bước phát huy hiệu quả. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh giám sát, đánh giá việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cũng như quản lý, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức các cơ quan ngành dọc để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ tổ chức, cá nhân.
Ý kiến ()