Cơ quan công quyền sai - dân khổ
Bên nào cũng nhận đất là của mình
Từ năm 2010, giữa gia đình ông Lâm Thành Thông và ông Vi Văn Cao, Vi Văn Trường đều trú tại thôn Bản Hả, xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình xảy ra tranh chấp thửa đất 672, tờ bản đồ địa chính số 1, diện tích 11.641,8 m2, địa danh Nà Phạ, thôn Bản Hả, xã Hiệp Hạ. Ngày 20/6/2011, lô đất được UBND huyện Lộc Bình cấp cho hộ ông Trường, bà Hiên. Trước đó, năm 1996, diện tích đất này được UBND huyện Lộc Bình cấp cho các ông Vi Văn Cao và Vi Văn San theo bản đồ giao đất, giao rừng thuộc lô 247, 248. Năm 2004, UBND huyện Lộc Bình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông San, theo bản đồ địa chính đất lâm nghiệp thuộc thửa 485, tờ bản đồ số 1.
Ông Thông cho rằng, ông đã quản lý lô đất từ năm 1966 và trồng nhiều loại cây như: trám, hồi, kháo… khi đó chưa có ai quản lý. Trong đó, cây trám trồng rải rác từ năm 1980-1985, hàng năm vẫn hái quả.
Tháng 10/2010, ông Thông chặt 3 cây xoan trên đồi Nà Phạ thì xảy ra tranh chấp với ông Cao, ông Trường.
Ông Thông làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện Lộc Bình đã cấp cho ông Trường và bà Hiên.
Nhân dân huyện Lộc Bình kiểm tra rừng thông
Vi phạm khi giao đất, giao rừng
Trong quá trình giải quyết, TAND tỉnh xác định, việc UBND huyện Lộc Bình giao đất, giao rừng năm 1996 cho ông Cao và ông San là không đúng đối tượng sử dụng đất, bởi vì: trên diện tích đất tranh chấp, ông Thông đã trồng cây trám khoảng từ năm 1985 đến 1987. (Ngày 9/6/2015, TAND tỉnh đã tiến hành lấy mẫu để giám định tuổi cây. Tại Công văn số 153/PTLN-KT ngày 24/6/2015, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn xác định tuổi cây trám là 28 tuổi, sai số ±1 năm. Trên cơ sở tuổi cây, xác định được năm trồng cây trám là từ 1985-1987 ). Ngoài ra, còn nhiều cây khác mà hiện nay đường kính đã trên 30 cm, nhưng trong hồ sơ giao đất, giao rừng năm 1996 lại ghi loại cây chủ yếu là cỏ. Phía ông Trường cũng thừa nhận, hằng năm, gia đình ông Thông vẫn thu hoạch quả trám. Qua đó cho thấy, ông Thông khai đã trồng các cây trám trên thửa đất 672 từ năm 1980-1985 và vẫn thường xuyên quản lý, thu hoạch quả là có căn cứ.
Ông Cao và ông Trường cho rằng: thửa đất số 672 có nguồn gốc của ông Vi Minh Đường, là bố của ông Cao và là ông nội của ông Trường khai phá, quản lý, sử dụng từ năm 1947. Năm 1993, ông Đường giao lại cho các con là ông Cao và ông San. Tuy nhiên, ông Cao và ông Trường lại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh diện tích đất có tranh chấp có nguồn gốc của ông Đường. Tại Công văn số 674/UBND-TNMT ngày 20/7/2015, UBND huyện Lộc Bình xác định trước năm 1996, chưa có ai kê khai, đăng ký sử dụng diện tích đất có tranh chấp và UBND huyện chưa giao cho hộ gia đình, cá nhân nào quản lý, sử dụng. Do đó, không có căn cứ xác định ông Đường là người khai phá, quản lý, sử dụng diện tích đất đang tranh chấp.
Về trình tự, thủ tục giao đất, giao rừng năm 1996: đơn xin nhận rừng không ghi ngày, tháng, năm và không có chữ ký của người làm đơn. Quyết định giao quyền sử dụng đất rừng đề ngày 30/2/1996 là ngày không có thực. Như vậy, việc UBND huyện cấp đất cho ông Cao và ông San lô 247, 248 là không đúng đối tượng sử dụng đất và không đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ. Do đó, việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở hồ sơ giao quyền quản lý, sử dụng rừng vào các năm 2004 và 2011 cũng không đúng đối tượng sử dụng đất.
Mặt khác, năm 2010, giữa nguyên đơn và bị đơn đã xảy ra tranh chấp đối với thửa đất 672, nhưng ngày 20/6/2011, UBND huyện Lộc Bình vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp cho hộ ông Trường, bà Hiên là vi phạm quy định của Luật Đất đai.
Với những vi phạm trên, ngày 12/8/2015, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Lộc Bình cấp cho hộ ông Trường, bà Hiên đối với thửa đất 672. Ông Thông có quyền sử dụng thửa đất 672.
Đây là bài học cần rút kinh nghiệm trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Lộc Bình nói chung và UBND các huyện, thành phố trong toàn tỉnh nói riêng để việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai được nghiêm chỉnh và thống nhất. Đừng để vì việc làm sai của cơ quan công quyền mà gây phát sinh tranh chấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự ở cơ sở.

Ý kiến ()