Cổ phần hoá chậm vì quy định chặt chẽ
Các đại biểu Quốc hội cho biết các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn đã làm cho quy trình thực hiện lâu hơn và cũng làm cho tiến trình cổ phần hoá chậm đi.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, cơ chế, chính sách về đổi mới, tổ chức, quản lý, sắp xếp cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước đã được ban hành và bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ. Các DNNN được cơ cấu lại được tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng thực hiện vai trò, nhiệm vụ lòng cốt trong việc điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiêp sau cổ phần hóa được nâng lên.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn còn nhiều hạn chế là việc phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn theo đúng kế hoạch, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, còn vi phạm. Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang dẫn số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhưng trên thực tế chỉ đạt 17% với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyến sang năm 2020, chiếm 23% và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Chuẩn (tỉnh Quảng Ninh) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết thêm nhiều DNNN có đất đai nằm ở nhiều địa phương nên khó xác định giá trị doanh nghiệp kịp thời. Trình tự phê duyệt phương án sử dụng đất trong cổ phần hóa hiện nay có 3 nghị định là Nghị định số 59, Nghị định số 126 và Nghị định số 167 của Chính phủ cũng mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, cách hiểu và áp dụng các văn bản pháp luật liên quan đến đấu giá, xác định giá trị doanh nghiệp hiện nay có Nghị định số 126, Nghị định số 32 của Chính phủ, Thông tư số 59 của Bộ Tài chính cũng gây lúng túng trong quá trình tiến hành cổ phần hóa,…
Ông Nguyễn Trường Giang chỉ ra nguyên nhân chậm là do hiện nay, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước nên việc xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn dược ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, nhất là về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa; công tác xác định giá trị doanh nghiệp bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước dẫn đến quy trình, thời gian thực hiện kéo dài hơn,…
Về nguyên nhân chủ quan, theo đại biểu Giang là kỷ cương, kỷ luật trong việc thực thi chính sách pháp luật chưa nghiêm; nhiều cấp, nhiều ngành chưa tích cực chủ động triển khai nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như các cơ quan tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Chậm nhưng hiệu quả
Trước đó, tại phiên thảo luận Tổ của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cũng cho biết tiến độ cổ phần hoá hiện nay đang chậm so với tiến độ.
“Hiện nay chúng ta cổ phần hoá nhiều doanh nghiệp lớn. Trước đây DNNN có quy mô 5.000 tỷ đồng trở lên thì mới thực hiện kiểm toán định giá trước khi cổ phần hóa, nhưng vài năm qua, DNNN có quy mô 1.800 tỷ đồng là kiểm toán phải vào định giá. Riêng việc này đã mất tới 6 tháng. Rồi việc xử lý, rà soát, sắp xếp đất đai phải rà soát từng mét vuông đất theo Nghị định số 126 của Chính phủ nên DNNN có đất ở vài chục tỉnh, thành mà một tỉnh chậm sắp xếp thì chậm tất”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết đánh giá chung của Trung ương, Bộ Chính trị và Chính phủ thì 3 năm qua, công tác sắp xếp, cổ phần hoá đang diễn ra hiệu quả thực chất hơn, khắc phục sơ hở pháp luật trong quản lý đất đai, bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi được ích nhóm, tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 2016- 2018, cả nước mới cổ phần hóa 156 DNNN, tăng 34% số lượng DNNN cổ phần hóa so với giai đoạn trước, tăng 8% so với số vốn Nhà nước được cổ phần hóa của cả giai đoạn 2011- 2015, nộp 160.000 tỷ đồng vào ngân sách Trung ương để dành cho đầu tư và dự kiến cả giai đoạn 2016- 2020 sẽ đưa vào ngân sách tổng cộng 220.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước để đầu tư.
“Ta không cổ phần hóa lấy được mà coi trọng chất lượng cổ phần hóa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()