Có nhiều bộ sách giáo khoa, học sinh có nhiều lựa chọn
Các môn Lịch sử, Ðịa lý cần cô đọng hơn. Môn Giáo dục công dân nên mềm hóa kiến thức thay vì quá khô cứng, khó hiểu như hiện nay. Còn em Võ Hoài Nam, học sinh lớp 10/1 Trường THPT Trần Phú (TP Ðà Nẵng) bày tỏ: Nếu có nhiều bộ sách giáo khoa (SKG) mới để học sinh lựa chọn và học theo khả năng thì chúng em sẽ hứng thú hơn, bởi vì phát huy được tính tự học của bản thân. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP Ðà Nẵng) cho biết: Tôi đang chờ đợi một sự thay đổi, dù biết trước sẽ vất vả hơn trong giảng dạy khi tiếp cận với cái mới. Học văn, dạy văn là học nhân cách làm người và hướng thiện. Cho nên SGK mới cần có những tác phẩm bồi dưỡng giàu giá trị thẩm mỹ và giáo dục. Muốn vậy, đầu tiên và cần thiết là trong chương trình, SGK mới, môn Ngữ văn cấp THPT cần chú trọng hơn các kỹ năng để học sinh hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt và sử dụng tiếng mẹ đẻ thành thạo cho nhiều mục đích giao tiếp khác nhau. Là người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, cô giáo Ngô Thị Thục Trang, giáo viên Hóa học, Trường THCS chuyên Nguyễn Khuyến (TP Ðà Nẵng) mong muốn: Ðối với môn Hóa học cần bỏ bớt phần kiến thức hàn lâm, tăng kiến thức thực tiễn, hình ảnh minh họa để thu hút học sinh say mê học. Chúng ta cứ nói là phải để các em phát huy tính chủ động, sáng tạo trong khi bài tập thì quá nhiều, học sinh lo giải cho hết bài tập thì lấy đâu thời gian tự tìm tòi, sáng tạo. Cần có tiết học cho học sinh tự làm việc, tự làm các thí nghiệm để hiểu hơn về môn học chứ không phải nhồi nhét quá nhiều lý thuyết mà không có sức hấp dẫn học sinh.
Với 16 năm giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Lê Thị Thu Hà, Trường THPT Hòa Vang (quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng) đề xuất: Hiện bộ môn Lịch sử có nội dung, sự kiện quá nhiều dẫn đến sự nhàm chán trong dạy và học. Tôi mong muốn bộ SGK mới sẽ được xây dựng theo chủ đề, ngoài những mốc sự kiện trọng đại quan trọng nhất, thì cần xoáy sâu, bổ sung các nhân vật lịch sử, điển hình như cố Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK mới. SGK về môn Lịch sử không chỉ tôn trọng tính sự thật mà còn phải sinh động, dễ hiểu, có minh họa hình ảnh, nhân vật lịch sử thì mới có sức thuyết phục học sinh học và khơi gợi đam mê học tập của các em.
Ý kiến ()