Có một ‘cuộc chiến’ sau một cuộc chiến
Các cuộc chiến tranh trên quy mô toàn cầu như Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai, hay hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh biên giới, nội chiến… xuyên suốt từ thế kỷ XX đến nay, rồi cũng lần lượt chấm dứt.
Năm ngoái, hơn 60.000 người tại thành phố Frankfurt (Đức) phải sơ tán để các chuyên gia tháo gỡ một quả bom cực lớn thời Thế chiến 2. |
Tuy nhiên, để lại đằng sau nó là một “cuộc chiến” thầm lặng diễn ra hằng ngày, ở mọi lúc mọi nơi, có thể bất ngờ cướp đi mạng sống của hàng vạn người dân vô tội bởi lượng bom, mìn, vật liệu nỗ vẫn còn ẩn mình đâu đó trên những vùng đất từng xảy ra chiến sự, hay những làng mạc, phố phường bị bom đạn của đôi bên tấn công ở nhiều dạng khác nhau.
Chẳng thế mà các quốc gia sau cuộc chiến đều coi việc rà phá bom mìn là công việc vô cùng cấp bách để nhanh chóng giải phóng đất đai cho sản xuất và phục vụ đời sống của người dân. LHQ cũng hình thành các tổ chức quyên góp tài chính, các đơn vị chuyên dụng để hỗ trợ các nước từng xảy ra chiến tranh, xung đột vũ trang rà phá bom mìn, xử lý các chất độc hại còn tồn đọng trên nhiều vùng đất.
Song có một điều đáng quan tâm là do lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vô cùng lớn, ẩn mình ở khắp nơi khó nhận biết hết, nên hằng năm cũng đã cướp đi mạng sống của hàng vạn người. Theo một báo cáo của LHQ công bố hôm 20/11 vừa qua, chỉ trong năm 2017, trên toàn thế giới có hơn 7.000 người thương vong do bom mìn và vật liệu nổ, trong đó có tới 2.800 người thiệt mạng do các loại bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh.
Còn báo cáo tổng quan của tổ chức giám sát bom mìn Landmine Monitor cho biết, trong năm 2017 đã ghi nhận tới hàng nghìn nạn nhân bom mìn ở các nước như: Ukraine, Iraq, Pakistan, Nigeria, Libya, Yemen và Myanmar… Đặc biệt, cuộc xung đột tại Afghanistan và Syria khiến số người thương vong do bom mìn ở 2 nước này tăng cao, trong đó 2.300 nạn nhân ở Afghanistan và hơn 1.900 nạn nhân ở Syria, mà phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người già.
Theo tính toán của tổ chức Landmine Monitor, số tiền chi phí trên phạm vi toàn cầu cho việc rà phá bom mìn trong năm 2017 là 700 triệu USD, tăng hơn 200 triệu USD, nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn rất ít. Đặc biệt, nguồn tài chính dành để hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Tổ chức Landmine Monitor cũng nêu rõ công việc rà phá bom mìn vẫn phải tiếp tục ở những nước mà các loại bom mìn đã tồn tại trong 50 năm qua, như Việt Nam, Lào và Campuchia…
Hiện nay, trên thế giới có 60 quốc gia được đánh giá là bị ô nhiễm bom mìn, hơn một nửa trong số đó đưa ra cam kết trong Hiệp ước cấm bom mìn là sẽ làm sạch bom mìn trong vòng 10 năm, tuy nhiên mới chỉ có 4 nước có khả năng đáp ứng được thời hạn cam kết trên.
Điều gây trở ngại lớn nhất cho công việc rà phá bom mìn của các nước đó là nguồn tài chính, các trang thiết bị rà phá bom mìn, cũng như diện tích đất phải làm sạch bom mìn là vô cùng lớn.
Ở một phương diện khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã từng lên tiếng nhấn mạnh rằng, bom mìn đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân, do vậy những người còn sống sót cần phải được đáp ứng đầy đủ về chăm sóc y tế. Bởi những nạn nhân sống sót sau tai nạn bom mìn không những mang trên mình những khuyết tật vĩnh viễn, mà họ còn phải đối mặt với nhiều nỗi đau về cơ thể, mặc cảm xã hội và môi trường… điều đó ngăn cản họ tham gia đầy đủ và bình đẳng trong cộng đồng.
Bởi vậy, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, xung đột vũ trang là vấn đề vô cùng nhức nhối, được nhiều quốc gia coi là một “cuộc chiến” sau cuộc chiến cả trước mắt và lâu dài.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()