Có lý do để ngừng chương trình mua trái phiếu của ECB
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, thành viên Ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Benoit Coeuré, cho biết có lý do hợp lý để ngừng chương trình mua trái phiếu vào mùa Thu 2018, vốn được áp dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Ngày 14/12, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, đồng thời cam kết trong trường hợp cần thiết sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Cụ thể, ECB giữ mức lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%.
Động thái trên diễn ra sáu tuần sau khi ngân hàng này nhất trí thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp xuống còn 30 tỷ euro (35 tỷ USD)/tháng từ tháng 1/2018, so với con số 60 tỷ euro trước đó.
ECB cam kết sẽ tiếp tục chương trình này ít nhất là tới cuối tháng 9/2018. Chương trình này được bắt đầu từ năm 2015 – thời điểm mà Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bị tình trạng giảm phát đe dọa và chính vòng xoáy giảm giá này đã kìm hãm đáng kể đà phục hồi của nền kinh tế.
Sự hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ này được coi là cần thiết để không ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục trong bối cảnh lạm phát vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Song việc duy trì lãi suất thấp cũng có những hệ lụy, góp phần hình thành nên các bong bóng trên một số thị trường như bất động sản tại các thành phố lớn. Đặc biệt, nếu xuất hiện một cuộc khủng hoảng mới, ECB sẽ không còn công cụ nào để đối phó.
Hiện ECB vẫn bất đồng trong việc quyết định chi 30 tỷ euro hàng tháng dành cho việc mua trái phiếu của chính phủ và doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng đà phục hồi kinh tế có nguy cơ bị triệt tiêu do việc tăng giá.
Ông Coeuré cho biết Hội đồng thống đốc ngân hàng đã chỉ rõ rằng chương trình có thể tiếp tục được triển khai trong thời gian dài hơn nếu lạm phát đi theo chiều hướng giảm. Hội đồng sẽ linh hoạt xử lý đối với cả hai trường hợp có thể xảy ra.
Dù khoảng 2.300 tỷ euro đã được bơm vào thị trường từ tháng 3/2015, lạm phát vẫn đang ở mức dưới mục tiêu 2% mà ECB hướng tới. Tình huống phức tạp đan xen giữa các dấu hiệu phục hồi kinh tế được ghi nhận và hiện tượng lạm phát ảm đạm đã làm cho quyết định kết thúc chương trình nới lỏng định lượng trở nên phức tạp hơn./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()