Cơ hội với các nhà đầu tư Đức
Chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức đã mở ra không ít cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Môi trường kinh doanh thông thoáng cùng lực lượng lao động trẻ, năng động là những động lực lớn thôi thúc các nhà đầu tư Đức tìm đến một thị trường triển vọng và hấp dẫn như Việt Nam.
Là một nền kinh tế đang trên đà phát triển và hứa hẹn gặt hái nhiều thành công mới trong tương lai, Việt Nam là điểm đến giàu tiềm năng đối với giới doanh nhân Đức. Lực lượng lao động trẻ tuổi, có trình độ và cần cù cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút cho môi trường kinh doanh tại đây. Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam M.Oan-đê chia sẻ: “Trong bốn năm sống tại Việt Nam, tôi thật sự ấn tượng với lực lượng lao động dồi dào, trẻ trung, cần mẫn của nước bạn. Người Việt Nam còn rất thân thiện, dễ gần và đó cũng là “điểm tựa” để hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước suôn sẻ, thuận lợi hơn”.
Bên cạnh đó, những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện khuôn khổ luật pháp và thể chế phục vụ các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Những bổ sung và sửa đổi trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua, cũng như Luật Đấu thầu năm 2013 đã cho thấy nhiều điểm tiến bộ. Các nhà đầu tư nước ngoài đều kỳ vọng rằng, những nỗ lực không ngừng nghỉ này sẽ tạo nên một môi trường đầu tư bình đẳng và hấp dẫn cho Việt Nam.
Song hành với chặng đường 40 năm phát triển của quan hệ song phương, những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Đức cũng có nhiều khởi sắc, gặt hái những kết quả tích cực và toàn diện. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, đóng góp khoảng 28% tổng giá trị trao đổi thương mại Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EU). Quốc gia Tây Âu đồng thời là “cửa ngõ” quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường các nước thành viên EU khác. Theo số liệu thống kê, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 1,28 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2015, tăng 15,9% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, có hơn 300 công ty Đức đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Theo một nghiên cứu gần đây, năm 2014, 70% số công ty Đức tại Việt Nam kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới và khoảng 60% trong số đó lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Ông M.Oan-đê khẳng định, Việt Nam và Đức đang đứng trước nhiều cơ hội tốt để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng hợp tác, trong đó, các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ là “chìa khóa” quan trọng của hợp tác song phương.
Giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hai nước, hơn hai thập niên qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam đã hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Đức tiếp cận thị trường Việt Nam, thu thập thông tin, tìm kiếm các đối tác phù hợp. Ông M.Oan-đê chia sẻ: “Nhiều hội thảo, sự kiện kinh doanh ở Việt Nam và Đức được tổ chức thường xuyên, nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư hai bên bức tranh toàn cảnh về thị trường đầu tư đầy tiềm năng của nhau”.
Với nhiều điều kiện thuận lợi, số lượng doanh nghiệp Đức hoạt động thành công tại Việt Nam ngày càng gia tăng và đóng góp tích cực vào mọi mặt trong đời sống của người dân Việt Nam, có thể kể đến Siemens, Laack, BMW… Các nhà doanh nghiệp Đức đều tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư đến từ Đức mà còn từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()