Cơ hội việc làm và tiền lương của lao động nữ thấp hơn lao động nam
Thống kê mới nhất cho thấy, tiền lương bình quân tháng của lao động nữ bằng 0,83 tiền lương bình quân của lao động nam.
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lao động nữ và Giới cho biết tại hội thảo Phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc tiêu chuẩn lao động quốc tế về tiền lương và thu nhập nhằm mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và việc làm bền vững diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 29-7.
Việt Nam đã phê chuẩn 21/189 Công ước quốc tế về bình đẳng giới trong thu nhập tối thiểu, Công ước số 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ đối với công việc có giá trị ngang nhau và Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử của Tổ chức Lao độngquốc tế (ILO). Tuy nhiên, cơ hội việc làm và tiền lương của lao động nữ luôn thấp hơn đáng kể so với lao động nam. Ở các nhóm trình độ càng thấp, mức độ chênh lệch tiền lương giữa phụ nữ và nam giới càng cao. Năm 2012, tiền lương bình quân tháng của lao động nữ bằng 0,83 tiền lương bình quân của lao động nam (nữ 3,2 triệu đồng/ tháng; nam 3,855 triệu đồng/ tháng).
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cũng cho rằng, ở nhóm không có bằng cấp, tiền lương bình quân tháng của lao động nữ chỉ bằng 72% s với lao động nam. Chỉ số khoảng cách giới về tiền lương ở nhóm lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp – cao đẳng gần bằng 1, nghĩa là mức bình đẳng giới lý tưởng. Điều đó cho thấy, khi lao động nữ đạt được mức trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) ngang bằng với lao động nam, thì có nhiều cơ hội để đạt mức tiền lương ngang bằng lao động nam.
Ở hầu hết các thành phần kinh tế, tiền lương bình quân tháng của lao động nữ đều thấp hơn lao động nam, ngoại trừ thành phần kinh tế tư nhân. Mức độ chênh lệch tiền lương của lao động nữ và lao động nam lớn nhất là ở khu vực “đầu tư nước ngoài”, tiền lương của lao động nữ chỉ bằng một nửa so với lao động nam. Khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn 2002- 2012 có chuyển biến tốt về tình hình bình đẳng giới về tiền lương (2002). Chỉ số khoảng cách giới ở mức 0,89, 2012 tăng lên 1,03, nghĩa là có một bộ phận phụ nữ đã thu nhập cao hơn nam giới.
Trong các ngành kinh tế, những ngành lao động nữ chiếm tỷ lệ khá cao và trình độ CMKT tương đương lao động nam như “giáo dục- đào tạo”, “y tế và hoạt động cứu trợ”, “quản lý nhà nước”. Tiền lương bình quân của lao động nữ ngang bằng, thậm chí còn cao hơn so với lao động nam trong cùng ngành nghề, với chỉ số khoảng cách giới trong các ngành này đạt>1. Những ngành có mức tiền lương của lao động nữ thấp hơn đáng kể so với lao động nam (chỉ số khoảng cách giới từ 0,5 đến 0,6), bao gồm “hoạt động khoa học và công nghệ”, “kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn”…
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Nhìn chung, Việt Nam đã bảo đảm tiêu chuẩn không biệt đối xử trong việc làm nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hiện tượng trên thực tế nổi lên: Tỷ lệ lao động nữ vào các cơ quan nhà nước ngày càng tăng lên kể từ 2006, xu hướng tỉ lệ lao động nữ được tuyển vào các cơ quan Bộ, ngành cao hơn tỷ lệ lao động nam. Một số doanh nghiệp không hoặc hạn chế tuyển dụng lao động nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp xây lắp, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Một số doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng lao động nữ trẻ, chưa sinh con hoặc bắt buộc lao động nữ cam kết làm việc một thời gian nhất định mới được sinh con…”
Về sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm và tiền lương ở nước ta hiện nay, bà Nguyễn Thị Bích Thủy lý giải: “Truyền thống và thiên vị xã hội đã ngăn cản phụ nữ tiếp cận với sự lựa chọn ngành nghề và cơ hội để nâng cao trìn h độ.”
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh: Tiêu chuẩn lao động quốc tế về chống phân biệt đối xử yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy, bảo đảm khuyến khích hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các nguyên tắc bảo đảm lao động nam và nữ được trả công như nhau khi làm những công việc có giá trị tương đương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()