Cơ hội và thách thức từ các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có một số FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (FTAEU-VN). Những FTA này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam tới đây.
(Ảnh minh họa: IT)
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 Hiệp định FTA song phương và đa phương. Trong số đó, 8 FTA đã có đã có hiệu lực và đang thực thi. Các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020, xuất khẩu sẽ tăng 68 tỉ USD vào năm 2025. Tương tự, các FTA khác, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu cũng đem lại những cơ hội xuất khẩu rất lớn cho Việt Nam khi tiếp cận với một thị trường rộng lớn gồm các nền kinh tế hàng đầu.
Việt Nam, với vị trí thuận lợi về địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động, thông qua các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá cao quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laursen – một trong những thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu cho rằng, với những kế hoạch hợp tác đầy tiềm năng, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích từ những Hiệp định này. Tuy nhiên, song song với các thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức mới để có thể đạt được những lợi ích chung từ những Hiệp định Thương mại tự do này.
Theo số liệu từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 66% trong tổng số 10.000 doanh nghiệp Việt Nam được hỏi ủng hộ và tin vào những lợi ích mà các FTA thế hệ mới lại cho họ; trong khi đó, tỉ lệ này ở các doanh nghiệp FDI khiêm tốn hơn, chưa tới 30%. Các FTA thế hệ mới sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam nhưng cũng được coi là “tấm vé” để các doanh Việt tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và EU.
Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3 – 5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Ngoài ra, việc ký kết hai Hiệp định và tuyên bố kết thúc hai Hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế của Việt Nam, là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn thế giới.
Cơ hội và thách thức
Giai đoạn 2016 – 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU.
Có thể thấy, cơ hội lớn nhất mà các FTA thế hệ mới mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỉ trọng cao trên tổng số liệu thương mại với thế giới của Việt Nam hằng năm. Thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá. Nếu so sánh với WTO, các nước chỉ cam kết “cắt giảm thuế” chứ không phải “loại bỏ thuế”, và chỉ với “một số” dòng thuế chứ không phải là “hầu hết” các dòng thuế, các FTA mang lại những lợi thế hơn hẳn về thuế quan ưu đãi.
Trong thời gian tới, khi các cam kết FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ, EU có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần chủ động ứng phó với nhiều thách thức không nhỏ, đó là tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Nhận định về vấn đề này, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cho rằng: “Việt Nam có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, muốn vậy, trước hết hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu. Nếu tăng cường được sức cạnh tranh của sản phẩm thì sẽ tránh được nhiều hơn những vấn đề như áp thuế cao, điều kiện kỹ thuật. Việt Nam có rất nhiều mặt hàng thế mạnh như giày da, dệt may, thủy sản… Ngay cả khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chưa có hiệu lực, nếu chúng ta bắt đầu khởi động quá trình chuẩn bị thì việc này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới, chủ trương hội nhập, từ đó tạo ra sức hấp dẫn mới của nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
Các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA. Ngoài ra, từ góc độ mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA, do đó, sẽ không còn khái niệm “sân nhà” nữa. Điều này cũng đồng nghĩa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.
Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước TPP, EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước. Ngoài ra, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước. Do đó, để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Thu cho rằng, hiện, Việt Nam đang thực hiện rất quyết liệt việc cải thiện môi trường kinh doanh. “Theo tôi, đây là một điểm chúng ta cần quyết liệt hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc giảm giờ thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mà cần phải đi sâu hơn nữa vào các điểm như về cơ sở hạ tầng, thể chế. Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa. Chính phủ cần phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp để có những chương trình hiệu quả hơn để doanh nghiệp có thể hiểu biết hơn để có thể tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức của tiến trình hội nhập”- bà Thu nói.
Thiết nghĩ, các FTA thế hệ mới hoàn toàn có khả năng sẽ trở thành động lực cho một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả và có định hướng cho Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt để nắm bắt những cơ hội mà các FTA này mang lại./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()