Cơ hội và thách thức kinh tế Việt Nam trước thềm TPP
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trải qua hơn 20 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên giữa kỳ và được kỳ vọng đạt được mục tiêu kết thúc đàm phán vào đầu năm 2015.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ có thêm động lực thúc đẩy quá trình sản xuất. “Nhìn tổng thể, cơ bản các cam kết của Hiệp định TPP đang đảm bảo sự nhất quán, tương đồng với ý đồ, xu hướng cải cách tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Đây là lý do lâu dài và quyết định nhất để nguồn lực phân bổ hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế. Nói khái quát, TPP tác động thúc đẩy thương mại với Việt Nam xuất và cả nhập khẩu đối với dòng đầu tư. Và quan trọng hơn cả, TPP góp phần vào cải cách thể chế kinh tế phù hợp thông lệ quốc tế” – ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo TS. Võ Trí Thành, hội nhập cũng có thể có rủi ro. Một số ngành do lợi thế so sánh có thể bị thu hẹp, thậm chí có thể nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực có thể phá sản kéo theo các vấn đề xã hội, trong đó, tác động nhất tới vấn đề công ăn việc làm.
Rõ ràng, trước thềm TPP, cùng với lợi ích đem lại, bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để chuyển đổi gắn với khả năng cạnh tranh hiện tại cũng như trong tương lai. Thêm nữa, phải tính toán tới các phí tổn tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường, các vấn đề an sinh xã hội… Với việc tham gia Hiệp định này, phạm trù kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Nếu bất ổn vĩ mô, có thể gây ra nhiều tác hại như: Suy giảm lòng tin với nền kinh tế vĩ mô, gây tác động xấu với người yếu thế trong cộng đồng, tạo ra các nguồn lực đầu cơ nhiều hơn sản xuất kinh doanh… Vì thế, TS Thành nhấn mạnh: đảm bảo kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Tất cả những tác động tổng thể này đòi hỏi sự điều chỉnh về chính sách kinh tế nói chung, đặc biệt đối với thực hiện cam kết lĩnh vực thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
TS. Võ Trí Thành cho hay, các cơ hội chính của Việt Nam từ Hiệp định TPP có thể kể đến là: Cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, hoàn thiện môi trường thể chế, tăng tính hấp dẫn với đầu tư trong và ngoài nước, tạo năng lực sản xuất mới, việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh và tác động xã hội nên Việt Nam cần nỗ lực điều chỉnh hệ thống pháp luật, tư duy quản lý và năng lực quản lý.
Rõ ràng là, cùng với cơ hội, TPP cũng đặt ra những thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam như: Tạo ra sức ép cạnh tranh trực tiếp đối với sản xuất trong nước, từ việc giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường dịch vụ đầu tư…; đồng thời, tạo ra sức ép hoàn thiện môi trường thể chế và điều chỉnh hệ thống pháp luật.
Trước thềm TPP, cộng đồng doanh nghiệp trong nước rất cần sự hỗ trợ thông tin, hướng dẫn pháp lý và những định hướng thiết thực để đảm bảo tận dụng được các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Việc đánh giá những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi tham gia TPP, đồng thời, phân tích các tác động của Hiệp định này đến nền kinh tế Việt Nam là sự chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp và nền kinh tế tận dụng được lợi thế một cách hiệu quả.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()