Cơ hội và thách thức khi ứng dụng AI trong điện ảnh
Việc ứng dụng AI (công nghệ trí tuệ nhân tạo) đang ngày càng phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Thời gian gần đây, giới chuyên môn đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ “AI hóa” điện ảnh, tác động trực tiếp đến những giá trị cốt lõi liên quan tới sự cảm nhận và sáng tạo của con người. Theo đó, công nghiệp điện ảnh càng phát triển, AI có thể được sử dụng một cách triệt để từ khâu viết kịch bản đến tạo hình, đạo cụ, chọn diễn viên, sản xuất, hậu kỳ… Đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với điện ảnh Việt Nam.
Hollywood và nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới đang ứng dụng sôi nổi AI trong sáng tạo nghệ thuật dù đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi về nhân sự, đạo đức và bản sắc. Một trong những bộ phim nổi bật do AI tham gia sáng tạo là phim ngắn “Do you love me” sản xuất năm 2016 và phim khoa học viễn tưởng “Sunspring” được viết do AI mang tên Benjamin thực hiện.
Một bộ phim, kịch bản được xác định đóng vai trò quan trọng thì giờ đây, dựa trên dữ liệu sẵn có, thuật toán AI sẽ phân tích, sáng tạo và từ đó cho ra đời kịch bản, thậm chí là nhiều phiên bản kịch bản. Bên cạnh đó, AI cũng có thể đưa ra dự đoán mức độ thành công của kịch bản khi được dựng thành phim thông qua việc nghiên cứu cốt truyện, phản biện về những điểm chưa tối ưu và đề xuất cải thiện.
Những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Theo các chuyên gia nghiên cứu điện ảnh, AI còn có tiềm năng lớn trong việc đơn giản hóa quy trình sản xuất bằng việc hỗ trợ lập kế hoạch lịch trình, chọn diễn viên, bối cảnh, dự đoán doanh thu. Các khâu như: nhạc phim, tiền sản xuất… trong điện ảnh cũng đang được nghiên cứu, áp dụng và bước đầu triển khai khá hiệu quả. Trên thực tế, dù AI không phải lúc nào cũng được sử dụng hay đạt được kỳ vọng, song, yếu tố này luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nền điện ảnh lớn.
Trao đổi về vấn đề này, đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Lâm Tùng chia sẻ: Bản chất AI là trí tuệ nhân tạo, như vậy nó cũng do trí tuệ của con người tạo ra để phục vụ các mục đích khác nhau với các cấp độ khác nhau. Với quan điểm cá nhân, anh cho rằng ứng dụng AI giúp cho công việc là điều rất tốt, song quan trọng là ở cách thức, ý thức sử dụng.
Hãy để AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực và phù hợp với từng giai đoạn sản xuất phim nhằm giảm áp lực và nhân lực. Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng phân tích thêm, với khâu kịch bản, AI giúp tổng hợp kiến thức nhanh nhất thay vì con người phải tìm đọc rất nhiều thông tin, có thể bị nhiễu loạn và mất công xác minh nguồn thông tin đó.
Ở khâu này, quan trọng là cách đặt câu hỏi. Khi đưa ra đề bài cho AI, người sử dụng cần hiểu sâu sắc thông tin để nhận được kết quả khoanh vùng tốt hơn. Sau đó, phải đặt lại các câu hỏi chéo ở nhiều ngôi khác nhau để xác minh tính phân tích của AI. Thí dụ, với câu hỏi: Hãy cho tôi ba ý tưởng kịch bản cho thể loại phim hoạt hình về cuộc phiêu lưu khám phá, giải cứu trái đất của nhóm bạn trẻ (có mô tả độ tuổi tính cách càng tốt) thời điểm trái đất bị tấn công bởi thế lực ngoài vũ trụ. Sau khi nhận được kết quả, cần đặt câu hỏi chéo, như: Khán giả thích gì ở thể loại phim này? Điều gì khiến khán giả quan tâm? Bộ phim trong tương lai sẽ tác động thế nào đến khán giả?...
Với một đạo diễn thế hệ 8x như Trịnh Lâm Tùng, anh coi AI như một trợ lý giúp bản thân bổ trợ kiến thức, nâng cao sự nhận thức, phản biện và xử lý các vấn đề một cách nhiều chiều hơn. Tuy nhiên, theo anh, kết quả vẫn phải do con người quyết định bởi dù sao cảm xúc là thứ AI sẽ không thể đạt được.
“Điểm mạnh của việc sử dụng AI là không phải trả lương, không có khái niệm nói dối, nghỉ việc, hoãn việc, thuận tiện bất cứ lúc nào con người có nhu cầu. Điểm yếu là “style” không nhất quán, rất khó kiểm soát. Người dùng muốn đạt được kết quả tốt, gần đúng với ý mình cần phải có kiến thức nền tốt khi đặt câu hỏi, điều này đồng nghĩa với việc cần có chuyên môn cao”, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nói.
Trí tuệ nhân tạo đang thực sự đặt ra thách thức
Trên thế giới, AI đã đi sâu vào hoạt động sản xuất điện ảnh, ở hầu hết các công đoạn. Thí dụ, Cinelytic AI được sử dụng để dự đoán thành công doanh thu phòng vé các bộ phim; hệ thống dự đoán phim dựa trên AI mang tên ScriptBook được sử dụng để phân tích 62 bộ phim của hãng. Bên cạnh đó, AI còn giúp nhiều hãng phim tăng tốc độ chọn diễn viên bằng cách tự động thực hiện nhiều buổi thử vai; tạo ra nhiều nhân vật kỹ thuật số khác nhau, chẳng hạn nhân vật phản diện Thanos trong “Avengers: Infinity War” chính là kết quả từ AI.
Việc quảng bá điện ảnh cũng mang dấu ấn mạnh mẽ từ AI, có thể kể đến sự kiện năm 2016, 20th Century Fox đã sử dụng siêu máy tính của IBM thực hiện đoạn quảng cáo cho bộ phim “Morgan”. Trong các thể loại phim thì thể loại hành động được khuyến khích sử dụng AI nhiều nhất bởi tính năng phân tích, phản biện, tạo ra sự hợp lý được phát huy cao độ.
Thách thức AI đang đặt ra với nền công nghiệp điện ảnh thế giới không chỉ ở câu chuyện về cảm xúc, bản sắc cá nhân, cộng đồng mà giá trị nhân văn, hài hòa cũng đang được phân tích, cân nhắc. Tháng 5/2023, Hollywood dậy sóng trước làn sóng đình công từ 11.500 thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ phản đối mức lương thấp, cơ hội việc làm ngày càng ít, lại thêm cạnh tranh với AI khiến thu nhập bấp bênh, phải làm nhiều nghề khác để kiếm sống.
Câu chuyện đe dọa không còn nữa mà đó chính là thực tế. Tôi nghĩ hầu hết các công việc liên quan đến phim, nhất là phim hoạt hình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là không còn cơ hội nữa. Thực tế, nhiều vấn đề hóc búa, AI cũng thực hiện được. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, mỗi đạo diễn hay các nhà làm phim phải có nền tảng tốt, xây dựng được thương hiệu thì mới cạnh tranh và phát triển được. Dù sao, yếu tố con người trong nghệ thuật cũng là điều khó có thể thay thế.
Đạo diễn Lương Đình Dũng
Chia sẻ về nguy cơ này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: “Câu chuyện đe dọa không còn nữa mà đó chính là thực tế. Tôi nghĩ hầu hết các công việc liên quan đến phim, nhất là phim hoạt hình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là không còn cơ hội nữa. Thực tế, nhiều vấn đề hóc búa, AI cũng thực hiện được. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, mỗi đạo diễn hay các nhà làm phim phải có nền tảng tốt, xây dựng được thương hiệu thì mới cạnh tranh và phát triển được. Dù sao, yếu tố con người trong nghệ thuật cũng là điều khó có thể thay thế”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh: Tác phẩm điện ảnh là lĩnh vực cần đến sự chung sức của tập thể, vừa là nghệ thuật, vừa là kỹ thuật, cần cả hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại đi kèm trong cả một guồng máy phối hợp nhịp nhàng. Để điện ảnh phát triển đúng tầm công nghiệp văn hóa, dù là phim nghệ thuật hay giải trí cũng luôn cần phải có vốn đầu tư hợp lý, phim làm ra cần có chất lượng để chiếm lĩnh thị trường, có kinh phí và nghệ thuật quảng bá để lôi kéo khán giả, để có lợi nhuận và tái đầu tư. AI tạo ra một sự cạnh tranh lớn nhưng không đáng sợ nếu các nhà làm phim có tâm, có tài.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam dẫn chứng thêm, nhìn vào xu hướng thưởng thức phim của khán giả đương đại cho thấy, hầu hết khán giả đến rạp hiện nay là người trong độ tuổi từ 15-35, số ít là những người đến rạp ở các độ tuổi khác. Những bộ phim tác động vào cảm xúc của người xem, cho họ cảm giác gặp chính mình ở đó vẫn tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Cảm xúc là yếu tố AI không can thiệp được. Tuy nhiên, kịch bản vẫn là một điểm yếu của các nhà làm phim Việt Nam và AI sẽ thật sự tạo ra cạnh tranh, đào thải.
Để công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó điện ảnh nước nhà thực sự trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, kết hợp với AI tạo nên những thành tựu mới, các nhà làm phim mong muốn sự quan tâm nhiều hơn nữa về chính sách đầu tư đồng bộ cho: các hoạt động sản xuất phim (các thể loại), cho các hoạt động phổ biến, phát hành, lưu trữ, đào tạo và xuất, nhập khẩu phim... và đào tạo được nguồn nhân lực tiếp cận, ứng dụng tốt thành tựu công nghệ như AI để nền điện ảnh nước nhà mạnh về nội lực, đủ sức vươn mình ra thế giới.
Ý kiến ()