ASEAN là một thị trường rộng lớn với dân số khoảng 584 triệu người, tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2008 ước đạt 1.505,7 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 850 tỷ USD.
Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, các nước ASEAN đã cơ bản hoàn thành lộ trình tự do hóa thương mại theo Chương trình Ưu đãi Thuế quan có hiệu lực chung để xây dựng Khu vực Thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA), trong đó ASEAN-6 đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ thuế quan đối với 99,65% số dòng thuế, còn ASEAN-4 (gồm Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam) đã đưa 98,86% số dòng thuế theo CEPT/AFTA về mức 0-5%. Đây là kết quả nổi bật và là dấu mốc quan trọng trong hợp tác ASEAN.
Ý tưởng về thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được Thủ tướng Xin-ga-po, Gô Chốc Tông đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh vào tháng 11-2002. Đến tháng 10-2003, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9, trong Tuyên bố Ba-li II, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thực hiện ý tưởng này và coi đây là một trong ba trụ cột để xây dựng Cộng đồng ASEAN bao gồm chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội. Việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN là nhằm thực hiện hóa mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 (tháng 1-2007), các nước ASEAN quyết định đẩy nhanh thời hạn thành lập AEC từ năm 2020 xuống năm 2015 và đã thông qua Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint). Đây là quyết định quan trọng và đầy táo bạo nhằm đẩy nhanh những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra, nhưng cũng đặt ra cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng những thách thức to lớn.
Với tên gọi Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từng nước ASEAN vẫn duy trì những chính sách và quy định với bên ngoài khác biệt, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng nước. Do đó, lợi ích của AEC sẽ phụ thuộc vào quá trình điều hành của mỗi nước.
ASEAN mong muốn tạo dựng một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh, có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề và sự lưu chuyển tự do hơn đối với các nguồn vốn; kinh tế phát triển đồng đều, có tính cạnh tranh cao và hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu, thu hẹp sự chênh lệch về trình độ kinh tế, xã hội giữa các nước thành viên trong ASEAN.
ASEAN tiếp tục theo đuổi chính sách về một khu vực ASEAN mở thông qua thiết lập quan hệ mậu dịch tự do với các nước ngoài khối như với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, đưa ASEAN trở thành khu vực giữ vị trí trung tâm.
AEC đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu và giải quyết những hệ lụy hậu khủng hoảng như hiện nay. Các nước cần phải hài hòa mục tiêu của AEC với mục tiêu phát triển của từng nước ASEAN. Sự mất cân đối về trình độ phát triển giữa các quốc gia, các khu vực địa lý trong khối sẽ là thách thức hàng đầu, đòi hỏi nỗ lực hợp tác chung của ASEAN. Đây là vấn đề chứa đựng nhiều nguy cơ làm xói mòn lợi ích của AEC và làm chậm tiến trình hội nhập chung của ASEAN. Bên cạnh đó, thách thức do yêu cầu nâng tầm khả năng điều phối cấp khu vực và cấp quốc gia để thực hiện các biện pháp trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt đến hiệu quả thực thi các cam kết, tạo thuận lợi cho các dòng luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động trong thị trường khu vực rộng lớn.
Đối với các doanh nghiệp, thách thức căn bản là khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN trong tình hình mới. AEC sẽ mang lại cho mỗi doanh nghiệp cơ hội về thị trường, vốn, công nghệ nhưng cũng sẽ đòi hỏi sự đổi mới, điều chỉnh cấu trúc kinh doanh, cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống. Do đó những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ phát triển tốt và ngược lại.
AEC sẽ mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN cơ hội phát triển thị trường rộng lớn của khu vực. Sự hình thành AEC góp phần khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư, khuyến khích sự năng động của các doanh nghiệp trong một môi trường cởi mở, thuận lợi và minh bạch. AEC là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có điều kiện kết nối sức mạnh kinh doanh, là nơi mà các Chính phủ ASEAN và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm.
Như vậy, có thể nói việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN là đã thể hiện đúng mục tiêu hội nhập sâu rộng hơn nữa giữa các nước thành viên ASEAN trên lĩnh vực kinh tế.
Ý kiến ()