Cơ hội và thách thức của công đoàn Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại Việt Nam - EU
Việt Nam đã tham gia tám hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên đều không có các điều khoản về lao động và công đoàn. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán sẽ là hiệp định đầu tiên có điều khoản này. Hiệp định ký kết sẽ mở ra một giai đoạn mới trong thúc đẩy, nâng cao các tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Ðồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung, công đoàn nói riêng trong đại diện, bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động.
Việc hai bên ký chính thức Hiệp định Ðối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng 6-2012 là những bước phát triển hết sức quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam – EU chuyển sang một giai đoạn mới theo tinh thần đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Với tư cách là thành viên trong ban tham vấn, công đoàn Việt Nam có cơ hội thể hiện vai trò giám sát thực thi các điều khoản lao động trong các FTA mà Việt Nam là thành viên; thông tin, trao đổi với ban tham vấn của EU, cùng tìm cách giải quyết tranh chấp, bất đồng, giải quyết khiếu nại nếu xảy ra vi phạm, góp phần cải thiện việc làm và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn. Ðến nay, FTA Việt Nam – EU đã được đàm phán sáu phiên, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10-2014. Trong đó, vấn đề lao động, công đoàn nằm trong chương Phát triển bền vững, với mục tiêu người lao động có việc làm bền vững, thu nhập ổn định, bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh lao động.
Trưởng Ban Ðối ngoại Tổng LÐLÐ Việt Nam Hoàng Thị Thanh cho biết”: “Lợi ích khi Việt Nam trong FTA với EU là không nhỏ, nhất là việc tiếp cận thị trường xuất khẩu hàng hóa; người lao động sẽ có việc làm, tiền lương tốt hơn do thu hút đầu tư nước ngoài lớn, xuất khẩu hàng hóa tăng. Về khía cạnh xã hội, lợi ích lớn nhất là bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động (NLÐ). Về kinh tế, đó là chống lại sự cạnh tranh không bình đẳng thông qua “phá giá xã hội” hay “chạy đua xuống đáy” về tiêu chuẩn lao động. Trong bối cảnh đó, thách thức đối với tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia hiệp định này là không nhỏ. Công đoàn cần phát huy, nâng cao vai trò đại diện có hiệu quả cho NLД. Bà Thanh cũng cho biết thêm, khi tất cả các điều khoản của Hiệp định vẫn đang trong vòng bí mật tuy nhiên, công đoàn các cấp cũng như cán bộ công đoàn cần sớm chủ động, nắm bắt thông tin để kịp thời có những đối sách, ứng xử, đón đầu phù hợp. Với tư cách là một thành viên, Tổng LÐLÐ Việt Nam cần đưa vào được hiệp ước điều khoản về cơ chế giám sát phát triển xã hội, môi trường lao động bền vững, có sự tham gia của công đoàn như trong Hiệp định giữa EU và một số nước khác đã được ký kết”.
Các hiệp định thương mại thường có tác động mạnh mẽ tới quan hệ lao động. Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA EU- Việt Nam được ký kết sẽ tác động tích cực đối với ngành dệt may, da giày ở Việt Nam nhưng lại có thể ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp chế biến thủy sản, máy móc, thiết bị, các ngành dịch vụ hiện nay Việt Nam đang độc quyền như: dược phẩm, tài chính, viễn thông, bảo hiểm, hàng không. Bà Phạm Thị Thu Lan, trưởng phòng Quan hệ quốc tế (Ban Ðối ngoại, Tổng LÐLÐ Việt Nam) nhận định: “Ðiều đó có nghĩa NLÐ sẽ mất việc hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống việc làm của hàng triệu lao động. Khi đó, công đoàn cần phải thể hiện vai trò định hướng chuyển đổi ngành nghề, đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề và tìm kiếm việc làm cho NLД.
Toàn cầu hóa là xu thế không thể tránh khỏi, kể từ khi Việt Nam tham gia WTO, việc tiến hành ký kết các hiệp định thương mại tự do thế giới là điều tất yếu. Phó Chủ tịch công đoàn ngành dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm khẳng định: “Ðó không chỉ là “cú huých” nhằm thay đổi pháp luật và thực tiễn lao động trong nước mà còn là “cú huých” mạnh mẽ đối với các cấp công đoàn Việt Nam trong hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò bảo vệ có hiệu quả, dựa trên nhu cầu cụ thể của NLÐ, cũng như từng doanh nghiệp, ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, cũng là sức ép để mỗi cán bộ công đoàn tự hoàn thiện mình trong việc nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết, tiếp cận các vấn đề trong nước, khu vực, cũng như trên thế giới”.
Hiện nay, số công đoàn cơ sở tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân còn chưa cao. Thời gian tới, các cấp công đoàn cần tập trung phủ rộng hệ thống công đoàn cơ sở để khi Hiệp định thương mại tự do được ký kết, tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ồ ạt vào Việt Nam, chỉ chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh giá cả mà không quan tâm tới điều kiện lao động, lương thấp. Khi các hiệp định thương mại được mở ra, ngành xuất khẩu được lợi, lợi nhuận thu về lớn, có lợi cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là người sử dụng lao động có chia sẻ lợi nhuận đó với NLÐ không? Ðó là lúc vai trò, bản lĩnh của công đoàn cần phát huy nhằm tham gia với chủ sử dụng lao động trong phân phối lợi nhuận hợp lý. Nói như Phó Chủ tịch công đoàn Công thương Việt Nam Nguyễn Xuân Thái: “Dù có hội nhập đến mức nào, ký hợp bao nhiêu hiệp định thương mại, nhưng ở góc độ công đoàn bảo vệ lợi ích cho NLÐ, chúng ta không bao giờ cho phép hy sinh lợi ích của NLÐ để tạo ra lợi nhuận về mặt kinh tế”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()