Cơ hội trong thử thách
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành xuất bản đã phải đối diện nhiều khó khăn, thiệt hại. Tuy nhiên, đã có những đơn vị vượt qua khó khăn, thử thách một cách ngoạn mục nhờ áp dụng tiện ích từ công nghệ số. Hiệu quả xuất bản thể hiện rõ qua chất lượng sách và doanh thu vượt bậc.
Năm 2020, ngành xuất bản thế giới chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19. Tại Mỹ, doanh thu của các hiệu sách giảm gần 30%; các thị trường xuất bản lớn ở châu Âu như Pháp, Đức đều công bố sụt giảm doanh thu từ 20 đến 60%; các nước trong khu vực Đông – Nam Á, như: Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po doanh thu giảm tới 40 đến 60%. Trong bối cảnh đó, ngành xuất bản trong nước vẫn giữ được mức tăng 4% về doanh thu, 8% về lợi nhuận, giảm khoảng 2,4% số đầu sách, 8% số bản sách là nỗ lực đáng ghi nhận. Bên cạnh việc xuất bản các đầu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội, ngành xuất bản còn chủ động đặt hàng những bản thảo hay, hấp dẫn, in ấn công phu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc. Trong đó có thể kể tới các đầu sách có số lượng phát hành cao, được tái bản nhiều lần, như: “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” 350.000 bản (Công ty sách Nhã Nam, tác giả Rosie Nguyễn); “Muôn kiếp nhân sinh” hơn 210.000 bản (Công ty First News – Trí Việt, tác giả John Vũ – Nguyên Phong); “Con chim xanh biếc bay về” gần 130.000 bản (Nhà xuất bản Trẻ, tác giả Nguyễn Nhật Ánh)… Nội dung tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống dịch bệnh; cổ vũ niềm tin, tinh thần đoàn kết… cũng là các đề tài được ngành xuất bản chú trọng, xuất bản nhiều tác phẩm chất lượng. Một số mảng sách còn đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng, như: Sách khoa học – công nghệ, kinh tế tăng 83,8% về số cuốn, 37,9% về số bản; sách thiếu niên, nhi đồng tăng 18,09% về số cuốn; sách từ điển, ngoại văn tăng 21,68% về số cuốn, 891,69% về số bản…
Giới chuyên môn nhận định, trong giai đoạn khó khăn, các nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh sách nếu muốn tồn tại và phát triển, buộc phải thay đổi cách thức hoạt động, phương thức xuất bản, cung ứng dịch vụ phù hợp bối cảnh, tình hình mới. Cụ thể, nhiều đơn vị đã chủ động đẩy mạnh xuất bản số, phát hành trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử để phục vụ kịp thời nhu cầu bạn đọc trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội. Các mô hình hội chợ, triển lãm trực tuyến được triển khai sôi nổi thu hút sự quan tâm, tương tác của người đọc, đồng thời mở ra những hướng đi mới cho hoạt động xuất bản và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Một nét mới của ngành xuất bản trong thời gian qua là việc triển khai chương trình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo hướng xã hội hóa do Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp VNPost và Tập đoàn Trung Nguyên triển khai giai đoạn 2020 – 2030. Một số đơn vị như Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt còn chú trọng tới chương trình cải tạo thư viện cho nhiều trường học ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, nhiều trang mạng xã hội đã được lập ra để kết nối những người yêu sách, góp phần thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội và lan tỏa tinh thần tích cực của văn hóa đọc.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, ngành xuất bản vẫn tồn tại một số hạn chế, như: cơ cấu sách chưa hợp lý, còn chênh lệch lớn giữa các mảng sách; việc triển khai xuất bản điện tử, chuyển đổi số còn chậm; số lượng xuất bản phẩm điện tử giảm; hiệu quả kinh tế các nhà xuất bản còn thấp; năng lực quản lý, vận hành xuất bản chưa cao… Thời gian tới, cần thêm các giải pháp cụ thể, những nỗ lực mang tính bứt phá nhằm khẳng định tầm nhìn, hướng phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản trong bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu khắt khe trong hoạt động, định hướng và phát triển lâu dài.
Ý kiến ()