Cơ hội thu hút đầu tư
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Tempearl Việt Nam - 100% vốn của Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHẠM THANH SƠN 97,3% số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở Nhật Bản vẫn chưa có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội lớn để Việt Nam có thể thu hút các DN Nhật Bản đến đầu tư, nhất là trong bối cảnh sau động đất sóng thần, các DN Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài.Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hai tháng đầu năm 2012, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,077 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong hai tháng qua. Nếu tính lũy kế thì đến nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ tư trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.667 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng...
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Tempearl Việt Nam – 100% vốn của Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHẠM THANH SƠN |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hai tháng đầu năm 2012, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,077 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong hai tháng qua. Nếu tính lũy kế thì đến nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ tư trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.667 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 23,6 tỷ USD. Con số này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các DN Nhật Bản. Theo kết quả điều tra đầu tư ở nước ngoài của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với các DN công nghiệp chế biến thì Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh tế Nikkei (Nhật Bản) mới đây cũng cho thấy, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, đứng trên cả Ấn Độ và Thái-lan. Với tư cách là thị trường tiêu thụ, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Tập đoàn Forval (Nhật Bản) Hi-đê-ô Ô-ku-bô cho biết, hiện mới chỉ có 5.886 DN vừa và nhỏ Nhật Bản (tương đương 2,7% số DN) đã có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ ở Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức thị trường trong nước bị thu nhỏ dần, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do sự già hóa xã hội ngày càng rõ nét…
Theo Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, mặc dù Nhật Bản là một trong các đối tác đầu tư lớn vào Việt Nam nhưng các DN vừa và nhỏ Nhật Bản hiện nay vẫn còn e ngại khi quyết định lựa chọn đầu tư tại đây do thiếu các thông tin về cơ hội đầu tư, môi trường đầu tư, các thông tin liên quan tới chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, nhất là tại các KCN Việt Nam. Đến nay, các KCN, khu chế xuất này đã thu hút hơn 4.113 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 59,6 tỷ USD, trong đó, Nhật Bản cũng là một trong những nền kinh tế đầu tư lớn nhất vào đây với tổng vốn đầu tư lên tới 12,93 tỷ USD.
Theo đánh giá của nhà đầu tư Nhật Bản, các KCN Việt Nam hiện vẫn còn thiếu đồng bộ và chưa có các giải pháp hợp lý về cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ tiện ích để có thể đáp ứng nhu cầu của các DN quốc tế nói chung và các DN Nhật Bản nói riêng. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Tập đoàn Forval (Nhật Bản) Hi-đê-ô Ô-ku-bô chia sẻ, các DN Nhật Bản quyết định mở rộng thị trường theo cách đặc trưng của mình và hoàn toàn khác với các nước châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trước tiên, các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn đầu tư vào các KCN đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, hệ thống thông tin, nước sạch… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là một trong những yếu tố hàng đầu được các DN Nhật Bản quan tâm. Trong các KCN nên có các trường dạy nghề vừa đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp vừa giáo dục văn hóa Nhật Bản, tác phong làm việc của người Nhật Bản… Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản rất cần một công ty chuyên về công nghệ thông tin (IT) trong KCN để có thể xử lý ngay các vấn đề phát sinh hằng ngày mà DN gặp phải. IT đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống sản xuất của các DN Nhật Bản. Kinh nghiệm cho thấy, do không có các công ty chuyên về IT trong KCN mà nhiều DN đã mất cả một ngày để giải quyết các sự cố, trục trặc nhỏ về máy tính, mạng… làm gián đoạn quá trình sản xuất. Ông Hi-đê-ô Ô-ku-bô cũng lưu ý, nhiều DN vừa và nhỏ Nhật Bản muốn thuê các khu nhà xưởng với quy mô nhỏ khoảng từ 300 đến 500 m2, thay vì quy mô lớn từ 1.000 m2 trở lên như các DN lớn hiện nay. Các KCN cũng cần có đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện về môi trường sống cho người Nhật Bản; không gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực lân cận…
Còn chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cố vấn cao cấp về đầu tư tại Cục Đầu tư nước ngoài Iô-si-phư-mi Sư-gi-ô cho rằng, quan trọng nhất là các nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin đầy đủ. Thêm vào đó, là được hỗ trợ về các thủ tục đầu tư, công tác tuyển dụng lao động… Khi nhà đầu tư Nhật Bản cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào chất lượng dịch vụ ở KCN thì uy tín của KCN sẽ lan nhanh và các DN Nhật Bản sẽ tự tìm đến.
Trong bối cảnh vốn FDI toàn cầu sụt giảm, cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước ngày càng trở nên gay gắt thì xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản chính là cơ hội để Việt Nam có thể nắm bắt, tranh thủ. Kịp thời, chủ động điều chỉnh linh hoạt các chính sách ưu đãi đầu tư cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản chính là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh thu hút FDI vào Việt Nam. Phần lớn các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đều thuộc các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Thu hút FDI được định hướng vào những lĩnh vực như cơ sở hạ tầng; công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường; công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; công nghệ cao… Vì thế, hoạt động xúc tiến đầu tư cần được tập trung vào đối tác tiềm năng này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()