Cơ hội mới rau quả Việt
Rau quả Việt còn nhiều cơ hội ở các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bù đắp thiếu hụt
Nếu như những năm trước đây, thời điểm này đang là thời điểm doanh nghiệp (DN) rau quả đẩy mạnh XK sang Trung Quốc để đẩy mạnh tiêu thụ dịp cuối năm thì năm nay, nhiều DN đã chọn hướng XK sang nhiều thị trường khác thay thế. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký, Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, Trung Quốc là thị trường XK rau quả chủ lực của Việt Nam song đang bị chững lại, chủ yếu do DN hưa thích nghi được với biện pháp quản lý nhập khẩu mới từ thị trường bạn. Để bù đắp lượng thiếu hụt, các doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường XK, trong đó chú trọng đến các thị trường ta đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EU, Hàn Quốc, Nhật bản.
Đặc biệt, nhờ lực đẩy từ FTA Việt Nam – EU, cơ hội XK rau quả, nông sản sang EU đang rộng mở. Năm 2018, XK rau quả từ Việt Nam sang EU mới đạt 100 triệu USD, còn quá thấp so với nhu cầu thị trường. Hiện EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi, rau quả từ các nước đang phát triển như bơ, xoài, khoai lang… Đây là cơ hội lớn cho rau quả Việt.
Không chỉ DN XK rau quả, nhiều DN XK nông sản khác cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường XK theo hướng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2019 được đánh giá là một năm khó khăn đối với ngành rau quả Việt Nam khi Trung Quốc – thị trường trọng điểm với tỷ trọng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch XK rau quả của cả nước tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”.
Kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm 14,5% trong 10 tháng đầu năm 2019 với mức kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch XK rau quả chung của Việt Nam trong 10 tháng qua.
Tuy nhiên, bù lại XK rau quả Việt Nam sang các thị trường khác đều đạt mức tăng trưởng trên 10%. Cụ thể, XK sang ASEAN tăng 26,6% (đạt 146,4 triệu USD), Hoa Kỳ tăng 10,7% (đạt 124,6 triệu USD), EU tăng 32,2% (đạt 121,7 triệu USD), Hàn Quốc tăng 12,4% (đạt 107,4 triệu USD), Nhật Bản tăng 26,2% (đạt 100,7 triệu USD)… Cơ cấu thị trường XK rau quả có những chuyển dịch tích cực khi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng tỷ trọng XK sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu) khẳng định, rau quả vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với khả năng tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường mới. Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ là cơ hội mới để ta đa dạng hóa thị trường và tập trung vào các thị trường khó tính hơn.
Đơn cử, XK rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định CPTPP… Đây là yếu tố mới mở ra cơ hội khi hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Bộ Công thương cũng đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp XK… Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại để củng cố và mở rộng thị trường XK.
Giải pháp nào để rau quả Việt chiếm lĩnh tốt hơn các thị trường?
Bà Nguyễn Thị Mai Linh chỉ rõ, mặc dù Bộ Công thương đã thực hiện tốt vấn đề mở cửa thị trường về mặt thuế quan, tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với ngành rau quả Việt Nam hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát được nguồn cung và vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…; dẫn đến khó khăn trong việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm. Do vậy, nhiều mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường.
Do đó, song song với các giải pháp mở cửa thị trường, các DN cần tiếp tục từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản XK; nắm rõ tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh tốt hơn các thị trường…
Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan (Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan) chia sẻ thêm, yếu tố quan trọng nhất hiện nay của rau quả Việt Nam là an toàn thực phẩm, xây dựng nền sản xuất bền vững. Để làm được điều đó phải giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu không an toàn. Làm được điều đó, cơ hội cho rau quả Việt vào EU nói riêng và nhiều thị trường khác nói chung sẽ tiếp tục rộng mở.
Rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng XK ấn tượng nhất của ngành nông nghiệp trong suốt nhiều năm qua với tốc độ bình quân giai đoạn 2011 – 2018 đạt 26,5%. Có những thời điểm, rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng, thậm chí vượt qua cả các mặt hàng chủ lực khác như gạo, tiêu, điều…
Theo Nhandan
Ý kiến ()