Cơ hội mới cho “con tàu hòa bình”
Quan hệ giữa Mỹ và Pa-le-xtin đang đứng trước cơ hội có thể cải thiện sau khi chính quyền mới ở Mỹ có các động thái bày tỏ thiện chí với Pa-le-xtin và tuyên bố không ủng hộ một số quyết định của chính quyền tiền nhiệm đối với các vấn đề liên quan cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin. Ðiều này được cho là sẽ tác động tích cực tới những nỗ lực quốc tế nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Ðông, dù con đường phía trước còn nhiều gian nan.
Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tuyên bố sẽ nối lại quan hệ với Pa-le-xtin, vốn bị đóng băng dưới thời Tổng thống Ð.Trăm. Oa-sinh-tơn cho biết, sẽ hối thúc I-xra-en và Pa-le-xtin tránh các bước đi đơn phương gây tổn hại nghiêm trọng tiến trình hòa bình Trung Ðông. Chính quyền mới ở Mỹ cũng cho rằng, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của I-xra-en với các nước A-rập trong thời gian qua không thay thế cho nền hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin, đồng thời khẳng định giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất cho hòa bình ở Trung Ðông. Chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn cam kết sẽ nối lại hoạt động hỗ trợ người Pa-le-xtin, mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Ðông Giê-ru-xa-lem và phái bộ của Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) tại thủ đô Oa-sinh-tơn. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blinh-ken nhấn mạnh, chính quyền mới ở Mỹ không ủng hộ một số quyết định của cựu Tổng thống Ð.Trăm, bao gồm cả việc công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en.
Chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn cho biết, sẽ cấp 15 triệu USD cho Pa-le-xtin đối phó đại dịch Covid-19. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao của nước này đã gửi thông báo lên Quốc hội về kế hoạch sẽ viện trợ 125 triệu USD cho người dân Pa-le-xtin. Số tiền này phần lớn được trích từ ngân sách năm 2020, bao gồm 75 triệu USD giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản và thực thi các chương trình gắn kết xã hội ở khu Bờ Tây và dải Ga-da; 10 triệu USD hỗ trợ các hoạt động hòa giải và 40 triệu USD dành cho các chương trình hợp tác an ninh, nhất là việc kiểm soát buôn bán ma túy và bảo đảm tuân thủ pháp luật ở Bờ Tây. Việc Mỹ đưa ra các gói hỗ trợ mới nhằm thể hiện thiện chí của chính quyền mới trong việc khôi phục quan hệ với Pa-le-xtin, vốn rơi xuống mức thấp nhất dưới thời Tổng thống Ð.Trăm. Khẳng định sự kiểm soát của I-xra-en đối với khu Bờ Tây là “sự chiếm đóng”, Mỹ cũng kêu gọi I-xra-en kiềm chế các hành động đơn phương có khả năng làm gia tăng căng thẳng và xói mòn các nỗ lực xúc tiến giải pháp hai nhà nước, trong đó các việc xây dựng các khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin. Theo quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ, I-xra-en và Pa-le-xtin cần được bình đẳng về tự do, an ninh, thịnh vượng và dân chủ.
Quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ gần như đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông. Mỹ hiện muốn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho người Pa-le-xtin trong các nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước, so với chính sách thân I-xra-en của chính quyền tiền nhiệm.
Giới lãnh đạo Pa-le-xtin đã hoan nghênh dự định của chính quyền mới ở Mỹ trong việc mở lại văn phòng của PLO ở thủ đô Oa-sinh-tơn, vốn bị Tổng thống tiền nhiệm Ð.Trăm ra lệnh đóng cửa. Việc mở cửa lãnh sự quán của Pa-le-xtin và mở lại văn phòng của PLO tại Oa-sinh-tơn, cũng như cam kết của chính quyền mới ở Mỹ về giải pháp hai nhà nước được Pa-le-xtin đánh giá là “những chỉ thị tích cực được chào đón”. Chính quyền Pa-le-xtin cũng bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ với chính quyền tại Mỹ và điều này phải dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc. Chính quyền Pa-le-xtin cũng đã nối lại tiếp xúc với Chính phủ Mỹ sau hơn ba năm gián đoạn.
Những động thái tích cực mới từ Mỹ đã tạo động lực để thúc đẩy các nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc hiện nay trong tiến trình hòa bình Trung Ðông. Nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Nga, Liên hiệp châu Âu và Liên hợp quốc) đã nhóm họp trực tuyến sau nhiều năm gián đoạn để thảo luận việc nối lại cuộc đàm phán có ý nghĩa nhằm giải quyết xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin. Ðưa Mỹ trở lại vai trò trung gian cho tiến trình hòa bình Trung Ðông là một mục tiêu của Tổng thống G.Bai-đơn, song để “con tàu hòa bình” lăn bánh trở lại, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước. Những vấn đề gai góc trong quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-tin cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.
Ý kiến ()