Cơ hội lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu
Là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau EU và Mỹ, cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đang lớn hơn bao giờ hết khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào năm 2015.
Thị trường lớn
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng gần bốn lần, từ mức khoảng chín tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD năm 2013. Năm 2013, với kim ngạch xuất khẩu đạt 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2012, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và EU. Ba tháng đầu năm nay, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí đạt được của năm ngoái với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Với sự tương đồng nhất định về thói quensử dụng hàng hóa, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang khu vực ASEAN rất đa dạng như gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện… Năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực ASEAN lần lượt là Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singaporevà Indonesia.
Vốn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thép Việt Nam, ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2012, xuất khẩu thép Việt sang khu vực ASEAN đạt khoảng 1,74 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này.
Ông Nguyễn Văn Thành – Banchấp hành Hiệp hội DN điện tử, Giám đốc Công ty Điện tử Bình Hòa cho biết thêm, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của công ty sang khu vực ASEAN gồm các loại biến thế, cuộn dây, bo mạch điện tử và bộ nguồn. Trong ba năm trở lại đây, năm 2011, xuất khẩu vào khu vực ASEAN đạt 2,54 triệu USD; năm 2012 đạt 3,1 triệu USD. Năm 2013, do khủng hoảng kinh tế nên xuất khẩu vào khu vực này có xu hướng giảm, tuy nhiên, ASEAN vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của công ty.
Cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đang lớn hơn bao giờ hết khi AEC dự kiến sẽ được thành lập năm 2015. Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, khi AEC được thành lập, các DN Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn, cả trong khu vực và với các thị trường mà ASEAN đã có Hiệp định FTAnhư Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, với những cam kết nhất định về ưu đãi thuế quan, các sản phẩm của Việt Nam dự kiến sẽ “rộng cửa” hơn vào các thị trường khu vực ASEAN. Ngoài ra, khi gia nhập AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. “Có thể ở giai đoạn đầu, trong một chuỗi sản phẩm, Việt Nam chỉ tham gia một số khâu đơn giản nhưng theo thời gian, Việt Nam sẽ có cơ hội đón những DN đầu tư vào những khâu có giá trị cao hơn như sản xuất vi mạch, chip…” – ông Hải cho hay.
Để tận dụng cơ hội
Thừa nhận những lợi ích lớn khi tham gia AEC, tuy nhiên, không phải như vậy là DN đã hết khó. Bà Phạm Thị Hồng Thanh, hàm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, do thói quen sản xuất và sử dụng hàng hóa, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mang nhiều nét tương đồng với sản phẩm của các nước khác cùng khu vực, do đó hàng hóa phải chịu sức cạnh tranh rất cao. Thứ hai, những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của ta sang các nước ASEAN như gạo đang có xu hướng giảm do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan. Thêm nữa, thị hiếu người dân Đông Nam Á thường chia làm hai cấp, một dạng có thu nhập cao thì ưa chuộng hàng Mỹ và châu Âu, một dạng có thu nhập thấp thì dùng hàng giá rẻ bình dân của Trung Quốc. Đó là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của DN, kể cả khi AEC được ký kết.
Cùng suy nghĩ với bà Phạm Thị Hồng Thanh, ông Chu Đức Khải cho biết, thép Việt Nam đang phải chịu sức cạnh tranh gay gắt với thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc. “Riêng trong năm 2013, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc vào khu vực ASEAN đã vào khoảng 15 triệu tấn. Đây là con số lớn khủng khiếp và với giá cả cạnh tranh cùng nhiều “mánh lới”, các DN thép Việt Nam rất khó cạnh tranh với các DN Trung Quốc” – ông Chu Đức Khải khẳng định.
Ngoài ra, những khó khăn đến từ chi phí xuất khẩu, thiếu đội tàu vận chuyển, thủ tục hải quan cũng gây khó khăn cho DN khi xuất khẩu sang khu vực này. Do đó, để tận dụng tốt nhất cơ hội “tiền” AEC và cả khi AEC chính thức được thành lập, các DN cũng kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ DN trong việc tham gia các hội chợ hội thảo để tìm kiếm bạn hàng, xây dựng đội tàu Việt Nam có đủ sức cạnh tranh để giảm chi phí cho DN, đẩy mạnh thực hiện hải quan điện tử để giảm thời gian, chi phí thông quan cho DN… Đặc biệt, khi tham gia AEC, không chỉ hàng hóa Việt Nam có lợi thế mà DN nước ngoài cũng sẽ được giảm thuế khi xuất khẩu vào Việt Nam, chính vì vậy, cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN sản xuất hàng hóa trong nước.
Nói về những cơ hội khi AEC được thành lập, ông Trần Thanh Hải khẳng định: “Về phía Chính phủ, Chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức cho DN về thông tin, lộ trình gia nhập AEC cũng như những hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, sức cạnh tranh, sự nhạy bén và chủ động của DN mới chính là “chìa khóa” giúp DN Việt Nam chiếm lĩnh sâu hơn thị trường ASEAN nói riêng và tất cả các thị trường khác nói chung”.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định thêm, giai đoạn 2014-2015 được coi là giai đoạn nước rút của ASEAN để tiến tới mục tiêu xây dựng cộng đồng AEC được kỳ vọng ra đời cuối năm 2015. ASEAN đang đứng trước triển vọng tăng cường hơn nữa vị thế của mình, trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đây cũng là thời điểm để các DN cần linh hoạt nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế của mình với không chỉ khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định thương mai tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()