Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan mở rộng hợp tác
Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hà Lan. |
Chiều ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn quyết định của Chính phủ Hà Lan hỗ trợ 2 triệu euro thông qua quỹ Liên minh cứu trợ Hà Lan cho các địa phương Việt Nam ứng phó với thảm họa lũ lụt ở miền Trung vừa qua, đồng thời khẳng định hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hà Lan, coi Hà Lan là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững; mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Hà Lan trong việc triển khai Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2023 và các Chương trình hợp tác liên quan tại khu vực.
Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao các biện pháp và nỗ lực của Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các nước phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, cùng nhau phối hợp thúc đẩy nối lại giao thương, đi lại và sớm phục hồi kinh tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tới Thủ tướng Mark Rutte về những kết quả đạt được của Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan vừa qua, đồng thời hoan nghênh và ủng hộ đề nghị của Hà Lan tham gia Hiệp ước thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), coi đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với Hà Lan nói riêng và với EU nói chung.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước cả về chính trị-ngoại giao, kinh tế cũng như hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác toàn diện được thiết lập trong chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam vào năm 2019 tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian qua mặc dù chịu tác động của COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn sớm đón Thủ tướng Mark Rutte thăm lại Việt Nam.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước cả về chính trị-ngoại giao, kinh tế cũng như hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam (EVFTA) đi vào hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ là động lực và tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan mở rộng quan hệ hợp tác. Đến thời điểm này của năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, tại buổi tiếp Đại sứ Hà Lan và Đại sứ Bỉ hồi giữa tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU mở rộng hợp tác và thị trường; đề nghị Bỉ và Hà Lan hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi hiệu quả EVFTA, truyền thông sâu rộng đến các địa phương và doanh nghiệp EU về Hiệp định này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn nước ngoài, nhất là EU, những doanh nghiệp có tiềm năng, có năng lực trình độ công nghệ cao đến kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”.
Cũng tại buổi tiếp này, phía Bỉ và Hà Lan cho biết, các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu đang có mong muốn đầu tư dự án logistics cảng biển trị giá gần 1 tỷ USD tại Việt Nam. Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trị giá khoảng 984 triệu USD được thúc đẩy theo đề xuất của các nhà đầu tư quốc tế từ Bỉ, Hà Lan và Việt Nam.
Hai vị Đại sứ đều khẳng định Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Bỉ ủng hộ dự án này, qua đó góp phần thúc đẩy giao thương giữa EU nói chung, Bỉ và Hà Lan nói riêng với Việt Nam, đóng góp vào phát triển kinh tế Việt Nam.
Các nhà đầu tư cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tham gia thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Cái Mép Hạ và đi ra thế giới.
Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của nhà đầu tư vào Cái Mép Hạ với tinh thần “giao thông xanh”, phát triển logistics để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU và toàn thế giới; đánh giá cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Thủ tướng giao UBND Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan.
Ý kiến ()