Cơ hội hòa bình ở vùng "sừng châu Phi"
Hai nhà lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a tại lễ ký Tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh.
Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a vừa ký “Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị”, chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước kéo dài 20 năm qua. Hai bên bình thường hóa quan hệ, mở cửa trở lại các đại sứ quán và biên giới, các hãng hàng không và cảng, mở ra cơ hội hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở vùng “sừng châu Phi”.
Chiến tranh biên giới giữa Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a nổ ra từ năm 1998 đến năm 2000, cướp đi sinh mạng của khoảng 80 nghìn người, trước khi một hiệp định hòa bình được ký kết ngày 12-12-2000. Xung đột chấm dứt, nhưng khu vực biên giới chung giữa hai nước vẫn căng thẳng và luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4-2018, Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a A.A-mét đã đề xuất A-đi A-bê-ba rút quân khỏi khu vực tranh chấp và tổ chức đàm phán với Ê-ri-tơ-ri-a.
Quyết định nêu trên giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, mở ra triển vọng bình thường hóa quan hệ. Sau khi diễn ra cuộc gặp cấp cao lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai nước tại thủ đô A-xma-ra của Ê-ri-tơ-ri-a trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a đầu tháng 7 vừa qua, hai bên đã ký Tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh, đánh dấu việc bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ.
Diễn biến tích cực trong quan hệ Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a mở ra cơ hội lịch sử để hai nước láng giềng vùng “sừng châu Phi” kết thúc hai mươi năm xung đột và đối đầu. Quan hệ giữa hai nước bao trùm nhiều lĩnh vực và không giới hạn trong vấn đề biên giới. Trước đó, phía Ê-ri-tơ-ri-a đã nêu rõ, việc phân định biên giới phải được hoàn thành trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về bình thường hóa quan hệ song phương. Phía Ê-ti-ô-pi-a cho biết sẽ thực thi quyết định năm 2002 của một ủy ban do Liên hợp quốc hậu thuẫn, rút quân khỏi các khu vực lãnh thổ tranh chấp, bao gồm Bát-me, thị trấn quan trọng mang tính biểu tượng mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Hãng hàng không Ethiopia Airlines thông báo từ ngày 17-7 bắt đầu vận hành chuyến bay đầu tiên từ Ê-ti-ô-pi-a đi Ê-ri-tơ-ri-a kể từ sau khi xung đột nổ ra cách đây 20 năm. Hãng hàng không hàng đầu châu Phi này cho biết, kế hoạch sẽ bắt đầu với tần suất mỗi ngày một chuyến bay trước khi hãng tăng cường nhiều chuyến bay trong ngày cũng như triển khai thêm các chuyến chở hàng. Việc nối lại hoạt động giao thông hàng không được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Ê-ti-ô-pi-a được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra trong năm 2018 với mức tăng trưởng dự báo đạt 8,5%. Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a hiện đang tiến hành nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như dự án xây dựng đập thủy lợi Ðại Phục hưng trị giá năm tỷ USD và dự án xây dựng hệ thống đường sắt trên toàn quốc. Chính phủ nước này hiện cũng tập trung cao độ vào việc đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo, lĩnh vực then chốt đóng vai trò động lực cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Ðây cũng là cơ hội và tiềm năng để thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế ở khu vực.
Các nước trong khu vực hoan nghênh việc nối lại tình hữu nghị và trao đổi thông tin giữa Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a, đồng thời bày tỏ hy vọng diễn biến này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới của mối quan hệ giữa hai nước, cũng như đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên tổ chức Phát triển Liên chính phủ châu Phi (IGAD), nhằm mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()