Cơ hội hòa bình cho Libya
Sau sự kiện năm 2011, từ một quốc gia thống nhất, Libya bị chia cắt thành hai vùng với 2 chính quyền và các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli, hay còn gọi là “miền Tây” do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo, và tại khu vực miền Đông nước do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Tình hình đó cũng đã tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm nhập gây dựng lực lượng để hỗ trợ cho các chiến trường ở Syria và Iraq.
Điều này cũng đã góp phần đẩy hàng vạn người dân đi lánh nạn hoặc di cư sang các nước khác…
Cộng đồng quốc tế cũng đã liên tiếp có những nổ lực để các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán tìm ra giải pháp chính trị cho Libya nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Năm 2015, các phe nhóm của Libya đã đạt được thỏa thuận hòa bình nhưng chẳng được bao lâu và cuộc xung đột tiếp tục diễn ra, trong đó có bàn tay của các tổ chức khủng bố khiến đất nước Libya chìm sâu trong chia rẽ và bạo lực.
Là một quốc gia châu Âu có nhiều ảnh hưởng tại Libya, Pháp đã có những bước đi tích cực để đưa các bên xung đột đi vào bàn đàm phán. Cách đây 10 tháng, với vai trò trung gian của Pháp, hai người đứng đầu của khu vực miền Tây và miền Đông Libya đã gặp nhau để chia sẻ nhiều vấn đề và bước đầu tạo ra một hướng đi tích cực để giải quyết cuộc xung đột.
Mới đây nhất, ngày 29/5, Hội nghị quốc tế về Libya dưới sự bảo trợ của LHQ do Pháp đăng cai, đã được tổ chức với sự có mặt của cả 2 nhà lãnh đạo hai phe phái lớn nhất ở Libya.
Một tín hiệu tích cực là Hội nghị đã ra tuyên bố việc các bên nhất trí đặt ra nền tảng hiến pháp cho cuộc bầu cử và sẽ sớm thông qua những luật lệ bầu cử cần thiết để cuộc tổng tuyển cử ở Libya sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tới. Các bên còn đưa ra cam kết bảo đảm an ninh cho quá trình bầu cử, dưới sự giám sát quốc tế.
Tuyên bố còn nhấn mạnh là toàn bộ các định chế quốc gia của Libya, trong đó có ngân hàng trung ương và quân đội, sẽ phải được tái thống nhất. Quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đoàn kết quốc gia Libya sẽ phải được tăng cường để giúp cho quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử diễn ra thuận lợi.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc các bên đối địch tại Libya đạt thỏa thuận về tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 12 sắp tới là bước đi quan trọng hướng tới sự hòa giải tại quốc gia đang bị tàn phá này.
Trong khi đó, LHQ và cộng đồng quốc tế đều luôn coi bầu cử là con đường duy nhất giúp Libya thoát khỏi sự chia rẽ và bao lực kéo dài nhiều năm qua.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()