Cơ hội hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng ở Iraq
Mới đây, Iraq và Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp đã ký một thỏa thuận trị giá 27 tỷ USD nhằm tăng sản lượng dầu và khả năng sản xuất năng lượng của quốc gia Trung Đông này.
Theo AP, thỏa thuận được ký kết tại thủ đô Baghdad của Iraq sau nhiều năm đàm phán đánh dấu khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước này. Iraq đã ký hợp đồng ban đầu với TotalEnergies vào năm 2021, nhưng các tranh cãi về điều khoản đã trì hoãn việc ký kết cuối cùng thêm hai năm nữa.
Tại lễ ký kết, Giám đốc điều hành TotalEnergies Patrick Pouyanné nói rằng thỏa thuận sẽ thúc đẩy nền kinh tế Iraq và tạo thêm việc làm. Người Iraq sẽ chiếm ít nhất 80% lực lượng lao động của dự án. Theo Reuters, ông Pouyanné cho biết dự án sẽ được khởi công vào mùa hè này và nhận được khoản đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
Được biết, dự án được gọi là Dự án Tích hợp tăng trưởng khí đốt. Dự án được thực hiện nhằm mục đích cải thiện nguồn cung cấp điện của Iraq, bao gồm thu hồi khí đốt tại 3 mỏ dầu và sử dụng khí đốt để cung cấp cho các nhà máy điện, giúp giảm hóa đơn nhập khẩu của nước này.
Người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iraq Assim Jihad cho biết bộ này đã cố gắng khởi động các dự án như vậy trong hơn một thập kỷ nhưng bị cản trở bởi tình trạng bế tắc chính trị, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên Bin Omar tại thành phố cảng Basra của Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Iraq là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, mạng lưới điện của nước này đã trải qua nhiều thập kỷ quản lý yếu kém và thiệt hại do các cuộc xung đột khác nhau. Tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong những tháng hè nóng nực, buộc nhiều người dân Iraq phải phụ thuộc vào máy phát điện chạy bằng dầu diesel hoặc chật vật chịu nhiệt độ vượt quá 50 độ C.
Việc hợp tác với TotalEnergies có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài ở Iraq, đồng thời giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ nước láng giềng Iran. Nhà phân tích thị trường năng lượng Bachar El-Halabi cho biết dự án này giúp Iraq “dễ thở hơn” sau khi một số công ty dầu mỏ lớn rút khỏi nước này trong những năm gần đây.
Ông El-Halabi nhận định: “Về lý thuyết, điều này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Iraq vào nhập khẩu khí đốt của Iran”.
AP nhận định, điều đó chỉ xảy ra nếu các bên thực hiện thỏa thuận có thể vượt qua những thách thức khi nạn tham nhũng tràn lan và bất ổn chính trị đã làm suy yếu ngành dầu mỏ của Iraq trong hơn hai thập kỷ.
Ông Marc Ayoub, chuyên gia về chính sách năng lượng tại Viện Chính sách Trung Đông Tahrir có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho biết, dự án có thể đối mặt với những thách thức trong tương lai. “Quy mô của dự án và sự tham gia của một tập đoàn lớn có nghĩa là sẽ ít xảy ra tham nhũng hơn. Tuy nhiên, luôn luôn có rủi ro”, ông Ayoub lưu ý.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/co-hoi-ha-nhiet-cuoc-khung-hoang-nang-luong-o-iraq-734540
Ý kiến ()