Cơ hội gia tăng xuất khẩu thuỷ sản khi tham gia TPP
Thuỷ sản được xem là một trong những mặt hàng có thế mạnh trong hoạt động xuất khẩu của nước ta. Điểm đáng chú ý, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu thuỷ sản vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có nhiều nước tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Mặc dù tình hình thời tiết trong năm nay có những diễn biến bất thường như hạn hán và xâm nhập mặn, đã làm chậm tiến độ thả nuôi thủy sản của người dân. Tuy sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng nhẹ so với cùng kì năm 2015, nhưng xuất khẩu thuỷ sản vẫn có bước tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 4 thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 52,81% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), thì Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường đã tham gia TPP; trong đó Hoa Kỳ là thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh nhất, với 10,9%. Điều này phần nào cho thấy, khi tham gia TPP, sẽ mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu thuỷ sản của nước ta.
Khi tham gia TPP, sẽ mang lại cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá nói chung và thuỷ hải sản nói riêng. Nhờ thuế suất 0%, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản trong nước. Chẳng hạn, với thị trường Hoa Kỳ, thuế nhập khẩu hàng thuỷ sản đối với Việt Nam là 0,3% cho thuỷ sản tươi sống và 4,7% cho thuỷ sản đã qua chế biến, trong khi đó các nước khác như Peru, Canada, Malaysia, Singapore đã đưa về xấp xỉ 0% hoặc đã bãi bỏ thuế. Hoặc tại thị trường Nhật Bản, mặc dù Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do, nhưng mặt hàng thuỷ sản khi xuất khẩu vào thị trường này vẫn chịu mức 3,5% đối với thuỷ sản tươi sống và 7,3% đối với thuỷ sản chế biến. Khi tham gia TPP, nhờ giảm thuế, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi cạnh tranh về giá.
Mặt khác, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam có 461/612 nhà máy chế biến thuỷ sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Do vậy, khi thực hiện TPP, nhờ giảm thuế, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trong nước có điều kiện nâng cao công suất chế biến nhờ tín hiệu tốt hơn từ nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản trong nội khối TPP. Sau đó, chế biến và tái xuất sang thị trường các nước thành viên TPP và thị trường các nước không phải là thành viên của TPP, đặc biệt là thị trường EU.
Khi tham gia TPP, ngành thuỷ sản Việt Nam có thêm cơ hội tái cấu trúc lại nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua quá trình tái cấu trúc, sẽ loại bỏ được những doanh nghiệp có năng lực và khả năng cạnh tranh thấp. Đồng thời, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp nước ta còn có thể tận dụng cơ hội trực tiếp tham gia các gói thầu cung cấp nguyên liệu cho các “bếp ăn” có sử dụng ngân sách của các nước thành viên TPP – đây là những quy định có trong chương về mua sắm công của Hiệp định TPP. Điều này có thể coi là điều kiện thuận lợi để tăng cơ hội hợp tác, cải tiến chuối sản xuất các mặt hàng thuỷ sản.
Tuy TPP mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng có không ít thách thức cho xuất khẩu thuỷ sản. Các rào cản kỹ thuật thương mại sẽ gia tăng để các nước bảo hộ sản xuất thuỷ sản của nước họ. Mặt khác, do yêu cầu về xuất xứ hàng hoá, nên những doanh nghiệp nào nhập khẩu nguyên liệu ở dạng tạm nhập tái xuất sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ, và sẽ không được hưởng ưu đãi thuế nếu nguồn gốc của các nguyên liệu không được sản xuất từ các thành viên TPP. Đây là một điểm yếu của không ít doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Vấn đề môi trường và trách nhiệm cũng là một thách thức. Đây là một trong những yêu cầu khi Việt Nam tham gia xuất khẩu vào nội khối. Các vấn đề như an toàn lao động, tiền lương, vệ sinh lao động, cấm sử dụng lao động trẻ em,… là những quy định trong chương lao động và cũng là một trong những lý do để các nước nhập khẩu từ chối toàn bộ lô hàng khi có những vi phạm xảy ra.
Để tận dụng tốt cơ hội, hạn chế rủi ro, thách thức, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nhất là sản xuất con giống chất lượng cao, thức ăn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng mở rộng thị trường. Gia tăng tính liên kết theo chuỗi giá trị, từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong đó, doanh nghiệp chế biến là tác nhân quan trọng trong việc tác động đến từng tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu thị trường. Cần có tuy duy mới về phát triển ngành thuỷ sản; tập trung tích tụ ruộng đất để người nông dân có thể mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất thuỷ sản hàng hoá lớn.
Xây dựng kênh phản ứng nhanh với các nước thành viên TPP để giải quyết nhanh nhất các vướng mắc, khiếu nại về hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản nếu có. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm liên quan đến các quy định về trách nhiệm xã hội, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bảo đảm tuân thủ đúng các cam kết mà nước ta đã đàm phán khi tham gia TPP nhằm tránh rủi ro không đáng có. Việt Nam cần xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp nhằm hạn chế sự xâm nhập ồ ạt các sản phẩm thuỷ sản từ các nước thành viên TPP, góp phần bảo vệ ngành thuỷ sản trước sức ép của hội nhập kinh tế…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()