Cơ hội đưa sản phẩm điều Việt Nam vươn tầm thế giới
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thì chất lượng và hương vị là hai thế mạnh của điều Việt Nam so với hạt điều có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là từ châu Phi.
Chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, Bình Phước được xem là “thủ phủ” của cây điều Việt Nam.
Ngoài số lượng lớn diện tích và sản lượng, điều Bình Phước còn được đánh giá có chất lượng cao. Vậy làm gì để có thể đưa ngành điều Bình Phước cất cánh, vươn xa tầm thế giới?
“Nâng cao chất lượng hạt điều, tập trung vào khâu chế biến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy các tác nhân tham gia cụm ngành…” đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright Việt Nam để ngành điều Bình Phước sớm cất cánh.
Tăng chất lượng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết diện tích cây điều của tỉnh hiện nay khoảng 170.000 ha, với sản lượng 243.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích nhỏ, manh mún vẫn chiếm phần lớn khi có tới hơn 77.000 hộ trồng với diện tích từ 1-2 ha. Việc canh tác cây điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại các vùng nông thôn. Cây điều được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đăng và Đồng Phú.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước đạt 3,5 tỷ USD, dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mỗi năm, Việt Nam cần hơn 1 triệu tấn nguyên liệu điều nhân để sản xuất, chế biến. Trong khi, sản lượng thu hoạch trong nước mới chỉ đạt khoảng 300 nghìn tấn, số còn lại vẫn phải nhập khẩu điều từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nước tây Phi.
“Hạt điều nguyên liệu nhập từ nước ngoài chất lượng không bằng so với điều trong nước, đặc biệt là điều Bình Phước. Điều Bình Phước được đánh giá có chất lượng ngon nhất thế giới,” ông Hiếu cho biết.
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thì chất lượng và hương vị là hai thế mạnh của điều Việt Nam so với hạt điều có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là từ châu Phi.
Riêng điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng vượt bậc so với điều của các quốc gia khác với giá trị dinh dưỡng cao.
Xây dựng “thủ phủ” điều
Bình Phước ngoài được xem là “thủ phủ” điều của Việt Nam, ngoài diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước, Bình Phước còn được xem là nơi sản xuất – kinh doanh điều sôi động của cả nước. Hiện Bình phước có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, 30 doanh nghiệp vừa, 110 doanh nghiệp nhỏ, hơn 1.200 doanh nghiệp siêu nhỏ.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 39 tổ hợp tác sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động dưới hình thức hỗ trợ nhau trong liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; 24 hợp tác xã nông nghiệp điều với diện tích canh tác khoảng 3.000 ha.
Ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Bình Phước vẫn đang gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu riêng đối với hạt điều. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi, Campuchia với chất lượng kém để chế biến điều nhân xuất khẩu. Trong khi đó, lượng điều thô nhập khẩu chiếm 70% tổng sản lượng điều được chế biến tại Bình Phước.
Ngoài ra, việc các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với quy trình kỹ thuật yếu kém, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đã đưa ra thị trường các sản phẩm không được đảm bảo về chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
“Cần nâng cao giá trị gia tăng của các chuỗi sản phẩm thông qua tăng cường thu hút chế biến sâu, chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân thắt chặt quan hệ bền vững hơn. Mục tiêu đến năm 2025 ngành điều Bình Phước tạo ra 60.000 việc làm, đến năm 2030 là 80.000 việc làm,” chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận định.
Vừa qua, trái điều Bình Phước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “chỉ dẫn địa lý.” Với bước đi này, Bình Phước hướng đến việc tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu điều Việt Nam; khai thác tốt các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm điều trong nước và phát triển chỉ dẫn địa lý cho hạt điều; tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành điều Bình Phước, thúc đẩy quản lý chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước trong bối cảnh hội nhập.
Đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Mục tiêu mà Bình Phước đặt ra là năm 2020 đến năm 2030, diện tích điều của tỉnh đạt từ 175.000-179.000ha, năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2,1 tấn/ha; sản lượng từ 243.000 tấn năm 2020 lên 352.000 tấn vào năm 2030; giữ nguyên công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm; trong số đó chế biến sâu từ 10.000 tấn (năm 2020) lên 30.000 tấn vào năm 2030.
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, cho rằng Bình Phước xác định là tỉnh nông nghiệp, do đó việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ quan trọng. Đối với ngành điều, hiện nay Bình Phước đã có quy hoạch tổng thể phát triển đối với trái điều.
Ông Huỳnh Anh Minh khuyến cáo người dân phát triển cần phải dựa trên quy hoạch và phải liên kết trong sản xuất. Vì trong sản xuất nông nghiệp, khâu tiêu thụ sản phẩm cực kỳ quan trọng. Do đó việc liên kết sản xuất sẽ tạo được sức mạnh tập thể và khâu phân phối tiêu thụ cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả cao hơn.
Theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Hoàng Văn Thắng, Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam), Bình Phước nên hạn chế mở rộng sản xuất và giữ nguyên diện tích điều hiện có; trong đó, tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật để thâm canh và tái canh khoảng 100.000 ha điều giống PN1 nhằm đạt năng suất bình quân 2 tấn/ha; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đồng bộ, chất lượng tại 4 huyện gồm Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú.
Tỉnh cần hình thành các hợp tác xã sản xuất nguyên liệu điều với chỉ dẫn địa lý được chứng nhận để cung cấp nguyên liệu đồng bộ cho thị trường; hình thành cụm ngành chế biến điều tại khu công nghiệp Đồng Phú; tập trung thu hút chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ nhân điều, vỏ điều và trái giả.
Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến điều thô để chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong sản xuất và tăng lao động trong chế biến sâu.
Ủy ban nhân dân Bình Phước cho biết, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh phấn đấu đạt 800 triệu USD, đến năm 2025 là 900 triệu USD, đến năm 2030 sẽ đạt 1 tỷ USD./.
Ý kiến ()