Cơ hội để trí thức trẻ vươn tầm khu vực
Đại biểu các quốc gia ASEAN tại hội nghị.
Nằm trong khuôn khổ hợp tác thanh niên, hợp tác khoa học – công nghệ ASEAN và cơ chế hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học trẻ Ðông – Nam Á, Kế hoạch hành động thanh niên ASEAN 2020, từ ngày 1 đến 5-12 vừa qua, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ đăng cai tổ chức Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2019. Với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới cho Cộng đồng ASEAN bền vững”, hội nghị tập trung thảo luận về vai trò của khoa học và công nghệ gắn với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tại hội nghị, các đại biểu cũng tham gia các hội thảo chuyên đề về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; cùng đề xuất, khuyến nghị, đưa ra các sáng kiến cụ thể nhằm phát triển khoa học và công nghệ trong khu vực ASEAN.
Với sự tham gia của 140 tiến sĩ, nhà khoa học trẻ của nước chủ nhà Việt Nam và các quốc gia trong khối ASEAN, Hội nghị đã tạo một không gian mở, mang đến nhiều cơ hội để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, đề xuất các sáng kiến thiết thực, góp phần giải quyết các khó khăn, thách thức trong khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững. Nhiều đại biểu trí thức trẻ cho biết, Hội nghị đã trở thành cầu nối quan trọng, gắn kết các nhà khoa học trẻ với các mạng lưới khoa học uy tín trên thế giới như Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu, Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN, Mạng lưới các nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm khoa học thế giới…
TS Ô.Phan-rắc-sa, đồng Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN, người đã có bài tham luận phân tích những thách thức và cơ hội của ASEAN gắn với thúc đẩy khoa học và công nghệ tại hội nghị, khẳng định: “Với vai trò những trí thức trẻ thế hệ mới, chúng ta cần liên tục thôi thúc bản thân góp sức giải quyết những thách thức của địa phương, đất nước và lớn hơn là khu vực, thế giới. Các hoạt động chính và những chương trình trong khuôn khổ hội nghị, tiêu biểu là khóa tập huấn Chương trình Lãnh đạo khoa học ASEAN đã tăng cường một cách thực chất, hiệu quả việc trao đổi thông tin, sự kết nối giữa các đại biểu và những mạng lưới nghiên cứu khoa học toàn cầu”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề nêu trên, Phó Tổng Thư ký ASEAN Kung Phoak cho biết: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Năm Chủ tịch ASEAN 2019 có chủ đề “Quan hệ đối tác thúc đẩy vì sự bền vững”, là thời điểm rất thích hợp để rút ra những giải pháp phù hợp, tối ưu nhằm giải quyết các thách thức về xã hội, kinh tế và môi trường trên toàn khu vực ASEAN. “Ngày nay, điều quan trọng hơn cả là tạo không gian để các nhà khoa học trẻ phát huy tiềm năng, đảm nhận nhiều vai trò, trách nhiệm hơn trong bảo đảm tính bền vững của đất nước nói riêng và tại đây là khu vực ASEAN nói chung”, ông Kung Phoak nói.
Ðồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn cho biết, chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới cho cộng đồng ASEAN bền vững” của hội nghị không chỉ tạo không gian, mà còn gợi mở cho các đại biểu hướng trao đổi, thảo luận, mạnh dạn đưa ra các đề xuất, khuyến nghị, nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức chung trong khu vực ASEAN. Từ đây, tạo dựng một mối liên kết mạnh mẽ, vững chắc trong cộng đồng các nhà khoa học trẻ ASEAN nói riêng, giữa các nhà khoa học trẻ những mạng lưới khoa học uy tín quốc tế nói chung. “Ban tổ chức mong muốn qua ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, sẽ mở ra phương hướng xây dựng quỹ phát triển, giải thưởng vinh danh các nhà khoa học trẻ trong khu vực, cũng như những chương trình, dự án thúc đẩy hơn nữa hợp tác khoa học và công nghệ trong ASEAN, góp phần xây dựng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và phát triển bền vững”, đồng chí Lê Quốc Phong nói.
Các nhà khoa học nói chung, nhà khoa học trẻ nói riêng là trung tâm của nền kinh tế trí thức. Bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ là việc làm cần thiết của mỗi quốc gia nếu muốn sở hữu một thế hệ tương lai sáng tạo, đổi mới, mạnh về kiến thức, giỏi trong ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang đến những cơ hội lớn, rõ rệt về đổi mới và phát triển. Do đó, các bộ, ngành và nhất là các cấp bộ Ðoàn, Hội cần có tầm nhìn dài hạn để sẵn sàng đáp ứng xu thế nêu trên. Thực tế, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã có kế hoạch ban hành Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho tương lai, mang lại nhiều cơ hội lớn để các nhà khoa học trẻ có thể nâng cao nhận thức, tìm kiếm kết nối, vận dụng tài năng để góp sức giải quyết các vấn đề chung của quốc gia và khu vực.
Ý kiến ()