Bà H.Clin-tơn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên thăm Mi-an-ma trong hơn 50 năm qua. Ảnh AFP Những cải cách về chính trị, kinh tế gần đây của Chính phủ dân sự tại Mi-an-ma nhận được nhiều phản ứng tích cực từ quốc tế. Nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập kỷ bị bao vây cấm vận, giờ đây, Nây-pi-tô đang đứng trước cơ hội lịch sử để "đánh thức" nền kinh tế đã "ngủ quên" bao năm của mình.Trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây cô lập, Chính phủ dân sự mới ở Mi-an-ma đang từng bước tiến hành công cuộc cải cách chính trị và kinh tế. Theo đó, mở đường cho bà A-ung Xan Xu Ki và Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) tham gia các cuộc bầu cử QH bổ sung sắp tới, trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ với các nhóm sắc tộc, nới lỏng kiểm soát truyền thông, thông qua luật lao động mới, giảm thuế đầu tư nước ngoài. Những động thái trên được quốc...
Bà H.Clin-tơn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên thăm Mi-an-ma trong hơn 50 năm qua. Ảnh AFP |
Những cải cách về chính trị, kinh tế gần đây của Chính phủ dân sự tại Mi-an-ma nhận được nhiều phản ứng tích cực từ quốc tế. Nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập kỷ bị bao vây cấm vận, giờ đây, Nây-pi-tô đang đứng trước cơ hội lịch sử để “đánh thức” nền kinh tế đã “ngủ quên” bao năm của mình.
Trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây cô lập, Chính phủ dân sự mới ở Mi-an-ma đang từng bước tiến hành công cuộc cải cách chính trị và kinh tế. Theo đó, mở đường cho bà A-ung Xan Xu Ki và Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) tham gia các cuộc bầu cử QH bổ sung sắp tới, trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ với các nhóm sắc tộc, nới lỏng kiểm soát truyền thông, thông qua luật lao động mới, giảm thuế đầu tư nước ngoài. Những động thái trên được quốc tế đánh giá là tích cực, tạo bầu không khí mới trong đời sống chính trị trong nước và quan hệ với các nước.
Tháng 11-2011, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn tới thăm Mi-an-ma, mở đầu một loạt chuyến thăm của các quan chức nước ngoài đến quốc gia Đông – Nam Á này. Hiện nay, tuy chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt về kinh tế nhưng Oa-sinh-tơn đã bãi bỏ các biện pháp hạn chế với Mi-an-ma trong khuôn khổ Luật Bảo vệ nạn nhân nạn buôn người, động thái thể hiện sự công nhận những chuyển biến tích cực trong tiến trình cải cách chính trị tại Nây-pi-tô. Quyết định trên cho phép các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tới đánh giá và trợ giúp kỹ thuật có giới hạn cho Mi-an-ma. Ngày 17-2 vừa qua, WB thông báo đang trong quá trình quay trở lại Mi-an-ma sau 25 năm cấm vận và đã lên kế hoạch khảo sát nền kinh tế Mi-an-ma, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng bãi bỏ lệnh cấm đi lại từng áp dụng với các lãnh đạo cấp cao của Mi-an-ma và cam kết hành động cụ thể hơn trong lúc chờ đợi các thay đổi tiếp theo và hoan nghênh “các bước đi tích cực” mà Chính phủ của Tổng thống Thên Xên đã thực hiện thời gian qua. Ngoài ra, EU cung cấp gói viện trợ trị giá 150 triệu ơ-rô cho các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục và phúc lợi khác.
Tiến trình cải cách mở ra nhiều cơ hội để Mi-an-ma vực dậy nền kinh tế trì trệ sau nhiều năm bị bao vây cấm vận. Báo cáo gần đây của IMF về Mi-an-ma dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 5,5% trong tài khóa 2011 (tính đến tháng 3-2012), và có thể đạt 6% cùng kỳ năm tới. Tuy nhiên, Nây-pi-tô chưa thể kỳ vọng sẽ cải thiện ngay lập tức nền kinh tế khi chưa giải quyết những trở ngại về hệ thống cơ sở hạ tầng, chính trị, pháp luật và nguồn nhân lực…
Các chuyên gia của IMF kêu gọi Mi-an-ma tận dụng tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động trẻ và vị trí kinh tế chiến lược. Trước tiên Nây-pi-tô cần tiến hành cải cách kinh tế nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, tạo môi trường bền vững cho đầu tư, trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề tỷ giá hối đoái. Theo IMF, Ngân hàng Trung ương Mi-an-ma đang trong quá trình chuẩn hóa và thống nhất các quy tắc trao đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải cải thiện các lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, bắt đầu bằng việc thiết lập khuôn khổ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Điều đó đồng nghĩa, chính phủ Mi-an-ma phải dừng in tiền để đối phó thâm hụt ngân sách ước tính hiện nay khoảng 4,6% GDP trong năm tài khóa 2012-2013.
Báo cáo của IMF khuyến nghị Nây-pi-tô nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng trên diện rộng; tăng cường tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân thông qua các biện pháp như tự do hóa các yêu cầu cho vay, mở rộng mạng lưới ngân hàng đến khu vực nông thôn, thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại, thiết lập sân chơi bình đẳng giữa ngân hàng nhà nước và các ngân hàng tư nhân; cho phép liên doanh với các ngân hàng nước ngoài nhằm tiếp cận công nghệ hiện đại và hội nhập tài chính với Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) vào năm 2015. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), IMF cho biết, Mi-an-ma nên nhân rộng thành công trong thu hút vốn FDI trong lĩnh vực năng lượng sang các lĩnh vực khác, góp phần phát triển khu vực tư nhân, đa dạng hóa nền kinh tế, mở ra những cơ hội xuất khẩu mới.
Với những cải cách trong thời gian qua, bước đầu Mi-an-ma có được những thuận lợi nhất định, mở ra triển vọng phát triển kinh tế trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, để nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của quốc tế, Nây-pi-tô vẫn còn nhiều việc phải làm, mà trước mắt là cho thế giới thấy một cuộc bầu cử tự do và công bằng vào tháng 4 tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()