Cơ hội cuối cùng tri ân những người con ưu tú của Tổ quốc
Thanh niên xung phong là lực lượng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thành lập, đã nhiều lần góp công lớn trong các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng trôi qua, những cựu thanh niên xung phong cuối cùng lần lượt ra đi, trong lòng mang nặng ước nguyện về một sự ghi nhận, tri ân tuổi xuân đã tận hiến cho dân tộc.
Trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, phía bắc cũng như giai đoạn tái thiết đất nước sau năm 1975, lực lượng thanh niên xung phong đã phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập nhiều chiến công xuất sắc, oanh liệt.
Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” của Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhớ công sức, cống hiến của hơn 18 nghìn thanh niên xung phong. Thời điểm chiến sự diễn ra ác liệt nhất, 8 nghìn thanh niên xung phong đã chuyển sang bổ sung lực lượng cho quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội, vì trong phẩm chất của thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội cụ Hồ”.
Theo thống kê của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có khoảng 288 nghìn thanh niên trên cả nước hăng hái tham gia các phong trào “3 sẵn sàng”, “5 xung phong”. Trên đỉnh Trường Sơn, 46 nghìn thanh niên xung phong đã cùng bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu, mở đường, thông xe…
Sau khi đất nước thống nhất, non sông liền 1 dải, hơn 5 nghìn thanh niên xung phong lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, phía bắc; hơn 200 nghìn thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh.
Những người con ưu tú của Tổ quốc
Nhiều báo cáo cho thấy, qua các thời kỳ, đã có hơn 10 nghìn thanh niên xung phong hy sinh và khoảng 46 nghìn thanh niên xung phong bị thương; hơn 13 nghìn thanh niên xung phong và 4.600 con đẻ nhiễm chất độc da cam dioxin. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, phần lớn thanh niên xung phong đều quá tuổi thanh niên, ít có điều kiện học tập, phát triển, quyền lợi vật chất cũng không có gì đáng kể. Trong đó, hơn 5.600 nữ cựu thanh niên xung phong sống neo đơn.
Luôn nêu cao tinh thần xung kích, tự nguyện, không quản ngại gian khó, hy sinh, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì Tổ quốc cần, lực lượng thanh niên xung phong đã dành hết tuổi xuân cho đất nước và lý tưởng cách mạng. Năm tháng trôi qua, không ít cựu thanh niên xung phong lần lượt qua đời, còn lại hiện đều đã trở nên già yếu.
Ước nguyện trước khi đi xa của họ không còn gì khác ngoài một sự ghi nhận, động viên để con cháu, dòng tộc tự hào về những cống hiến trên tuyến lửa năm xưa.
Đồng chí Nguyễn Anh Liên, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam chia sẻ: “Mỗi lần tiễn đưa đồng đội, đồng chí, chúng tôi lại vô cùng đau lòng. Họ từng tình nguyện ra trận, xông pha chiến đấu ở những nơi ác liệt, hiểm nguy nhiều năm ròng rã, nhưng đến khi mất đi lại không có vật gì chứng minh Đảng, Nhà nước chính thức công nhận và coi thanh niên xung phong như bộ đội”.
Gần 20 năm qua, Hội Cựu thanh niên xung phong đã nhiều lần báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền, tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét, quyết định trao “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tặng các những cựu thanh niên xung phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đến tháng 2/2017, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản số 3257-CV/VPTW, trong đó kết luận “Đồng ý chủ trương tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tri ân những người có công với Tổ quốc
Ngày 22/7 vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình số 256/TTr-CP về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gửi đến Quốc hội, trong đó bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (điểm d, khoản 2, Điều 52 và Điều 56).
Liên quan đến nội dung này, cơ quan chức năng thẩm định dự án Luật đã tổng hợp được 2 luồng ý kiến. Bên cạnh phương án tán thành với Tờ trình của Chính phủ, còn có luồng ý kiến không thống nhất hình thức khen thưởng nêu trên, vì hiện đã có các loại bằng khen, huân, huy chương tặng thưởng các thanh niên xung phong có thành tích tương ứng.
Tuy nhiên, cho đến nay, số thanh niên xung phong đã được khen thưởng thực tế rất ít. Bởi Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có tiêu chuẩn phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian quy đổi từ 5-7 năm. Trong khi đó, phần lớn lực lượng thanh niên xung phong chỉ tham gia triển khai nhiệm vụ trong khoảng từ 2-7 năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết: “Mong muốn của các cựu thanh niên xung phong không gì hơn là một tấm huy chương – hình thức khen thưởng thấp nhất trong các loại huân, huy chương. Từ trước tới nay, và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, lực lượng thanh niên xung phong kính đề nghị Nhà nước không chi ngân sách tặng thưởng kèm theo “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Theo đồng chí Vũ Trọng Kim, danh sách cựu thanh niên xung phong đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhận “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đã được Hội Cựu thanh niên xung phong phối hợp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rà soát, thống kê đầy đủ khoảng hơn 400 nghìn người.
“Có thể nhận thấy, các thanh niên xung phong từng tham gia chống thực dân Pháp hiện chắc chắn đã ngoài 90 tuổi, chống đế quốc Mỹ cũng đã hơn 70 tuổi, còn nếu từng tham gia bảo vệ biên giới sau năm 1975 cũng phải 65 tuổi. Vì vậy, đây là cơ hội cuối cùng, không còn lần nào khác để tri ân những người con ưu tú từng ít nhất một lần xả thân vì Tổ quốc”, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xúc động nói.
Ý kiến ()