Cơ hội cho tăng trưởng xanh
Diễn ra tại Hội An trong hai ngày 23 và 24-6, với sự tham dự của nhiều đại biểu là các nhà kinh tế, các nhà đầu tư quốc tế và trong nước, “Diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh” đã gợi mở những ý tưởng quan trọng, đặt nền tảng về chiến lược cho sự phát triển bền vững đối với nhiều vùng trong cả nước.
Diễn ra tại Hội An trong hai ngày 23 và 24-6, với sự tham dự của nhiều đại biểu là các nhà kinh tế, các nhà đầu tư quốc tế và trong nước, “Diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh” đã gợi mở những ý tưởng quan trọng, đặt nền tảng về chiến lược cho sự phát triển bền vững đối với nhiều vùng trong cả nước.
Đây là lần đầu tiên, Diễn đàn đầu tư tăng trưởng xanh do cấp tỉnh đứng ra tổ chức tại Việt Nam, trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013. Nhiều khái niệm mới mẻ đã dược đưa ra cùng với những kinh nghiệm quý báu từ các nước trên thế giới.
“Tăng trưởng xanh” là xu hướng chung và cũng là sự “dịch chuyển” tất yếu của yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện tại. Các nhà đầu tư coi đây là “cơ hội” để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Đặc biệt trước những thách thức đặt ra từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng nguồn nước, nguy cơ dịch bệnh… thì phát triển theo hướng bền vững đang là yêu cầu cấp thiết.
Ở Việt Nam, đây là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ, bởi ngay tại Quảng Nam, tỉnh được coi là “tiên phong” trong việc hướng tới tăng trưởng xanh, đã giành nhiều nỗ lực để xây dựng chiến lược phát triển hướng tới đầu tư và phát triển bền vững, cũng chỉ mới bắt đầu từ năm 2010. Trong suốt hai năm từ 2010 đến 2012, tỉnh Quảng Nam đề ra những phương pháp tiếp cận chiến lược, xây dựng mô hình thành phố sinh thái và thành phố xanh cho Hội An và Tam Kỳ.
Khi xem xét các lợi thế so sánh và định hướng phát triển hiện tại, nhận thức từ Quảng Nam cho rằng định hướng tăng trưởng xanh có thể mang lại các cơ hội tăng trưởng mới cho các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là mang lại cơ hội nâng cao mức sống của người dân. Các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên ưu đãi và các nguồn lực văn hóa, xã hội sẵn có.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Việc định hướng theo mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế. Quảng Nam cũng coi đây là cơ hội và cũng là vấn đề thách thức nhất hiện nay.
Mở diễn đàn này, không chỉ các nhà quản lý, các nhà kinh tế Quảng Nam mà nhiều nơi trong cả nước đã nhận được nhiều ý kiến gợi mở, nhiều giải pháp quan trọng, đồng thời cũng được chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình thành công trên thế giới.
TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc khi đưa ra gợi ý về Chiến lược phát triển cho Quảng Nam đã đề cập tới 10 vấn đề và sáu giải pháp, cũng là gợi mở cho nhiều vùng trong cả nước. Trong khi đó, TS. Myung-Kyoon Lee, Giám đốc Quy hoạch & Thực hiện tăng trưởng xanh (Viện tăng trưởng xanh toàn cầu – GGGI) lại đưa ra những khái niệm cơ bản như Tăng trưởng xanh là gì và những giải pháp chiến lược tăng trưởng hết sức quan trọng. Ông cho rằng, trước hết phải thay đổi tư duy phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và đó cũng là cách tốt nhất để hướng tới phát triển bền vững.
Trong các nhiệm vụ chiến lược, ông đặc biệt nhấn mạnh đến “lối sống xanh”. Chính là thay đổi về tư duy, nhận thức của con người, từ các nhà hoạch định chiến lược cho đến các cộng đồng dân cư. Ông đặc biệt lưu ý đến phát triển nông thôn theo hướng bền vững, phát triển đặc thù, lợi thế của nông thôn và liên kết với đô thị. Đó cũng là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách đô thị – nông thôn.
Coi đây là xu hướng tất yếu và cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong đầu tư, nhưng TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, tăng trưởng xanh có thực hiện được hay không, phụ thuộc 70% vào chiến lược và chính sách vĩ mô ở cấp Nhà nước, cấp Bộ. Chính sách về thuế (giảm thuế tối đa cho các dự án sản xuất, phát triển bền vững và ngược lại, tăng thuế đối với các dự án tác hại tới môi trường, an sinh xã hội), chiến lược quy hoạch, quy trình kiểm soát, tiêu chí đánh giá… đều phải do Nhà nước xây dựng, doanh nghiệp chỉ thực thi. Đối với những khu công nghiệp, đô thị phải đưa ra những chính sách cụ thể và có chiến lược triển khai thực tế, nếu không thì tăng trưởng xanh chỉ là “đầu bài” mà chưa có nội dung.
TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, các nước có nền kinh tế phát triển cần hỗ trợ những dự án tăng trưởng xanh, bởi hơn ai hết, chính họ có nghĩa vụ “phải trả lại những gì đã lấy đi hàng trăm năm trước cho sự phát triển của mình”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()