Cơ hội cho nông sản xứ Lạng xuất ngoại
LSO-Trong các buổi tiếp xúc, làm việc của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn với các đối tác nước ngoài như Cộng hòa Czech, Singapore…
LSO-Trong các buổi tiếp xúc, làm việc của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn với các đối tác nước ngoài như Cộng hòa Czech, Singapore… họ đều có một nhận xét rất chung, Lạng Sơn là tỉnh rất nhiều nông sản đặc sản. Mong muốn của họ là được hợp tác cùng Lạng Sơn để khai thác tiềm năng này.
Nông dân xã Mai Pha, TP Lạng Sơn trồng rau đặc sản |
Tôi nhớ lần gặp của lãnh đạo tỉnh tiếp ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Singpore tại khách sạn Mường Thanh. Ngài NgTeck Heam đã đặt ngay vấn đề muốn nhập khẩu nông sản của Lạng Sơn vì theo ngài Heam nông sản của Lạng Sơn rất ngon và nhiều. Trong khi đó Singapore là một nước diện tích rất hẹp, ngay nước sinh hoạt có thời điểm cũng phải nhập khẩu đến 70%, thế nên đặt vấn đề nhập khẩu nông sản từ Lạng Sơn là câu chuyện hoàn toàn phải thực hiện ngay trong thời gian tới. Rồi câu chuyện của Ngài Đại sứ Cộng hòa Czech Martin Klepetko cũng vậy, chẳng biết nghiên cứu Lạng Sơn từ bao giờ nhưng khi đến Lạng Sơn họ đã nói ngay đây là quê hương của rau đặc sản, Czech sẵn sàng hợp tác với Lạng Sơn trồng, chế biến nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Là một tỉnh có khí hậu á nhiệt đới, Lạng Sơn có lợi thế trong phát triển nông sản, đặc biệt là các giống rau đặc sản. Thời gian gần đây, nông dân Lạng Sơn đã biết trồng rau để bán cho khách du lịch, cung cấp cho các cửa hàng rau an toàn ở các thành phố lớn. Rau Lạng Sơn không còn bó gọn tiêu dùng trong tỉnh nữa mà nó bắt đầu vươn ra tỉnh ngoài. Theo thống kê năm 2005, Lạng Sơn mới có 2.200 ha đất nông nghiệp canh tác rau màu thì cho đến nay đã phát triển trên 4.500 ha, trung bình tăng 1,36% diện tích rau mỗi năm. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, rau Lạng Sơn đã trở thành một sản phẩm được cả nước biết đến. Hiện Lạng Sơn có khoảng 30 loại rau, củ, quả đặc sản. Có những loại rau chỉ trồng và canh tác có hiệu quả ở Lạng Sơn và nó giữ đúng chất rau như cải ngồng, cải làn, cải soong. Đấy cũng chính là cơ hội cho rau xuất ngoại.
Theo chị Đinh Thị Thơi, xã viên Hợp tác xã Rau an toàn Nà Chuông (TP Lạng Sơn) thì rau của hợp tác xã đặc biệt là của chị đã được rất nhiều khách đặt mua. Có khách sạn đặt mua với số lượng lớn để xuất khẩu, nhưng chị chưa dám nhận vì lo không đáp ứng được số lượng cũng như yêu cầu của họ. Chị Thơi cho biết thêm, nếu có liên kết sản xuất, có đầu tư lâu dài thì chắc chắn hợp tác xã sẽ đáp ứng được nhu cầu này, đây cũng là cơ hội cho rau đặc sản Xứ Lạng vươn đến xứ người. Nhớ lại buổi tiếp Đại sứ Singapore, ngài Heam chia sẻ thông tin, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều tập trung phát triển công nghiệp. Diện tích đất trồng trọt thu hẹp dần. Các nước như Malaisia, Singapore, Papuanewguinea diện tích rất hẹp nên không có khả năng khai thác tiềm năng nông sản. Và đây là một cơ hội để chúng ta khai thác tiềm năng rau đặc sản xuất khẩu.
Một thế mạnh nữa là khắp toàn tỉnh, huyện, thành phố nào cũng có thể phát triển cây rau đặc sản. Xưa mô hình rau đặc sản chỉ có ở thành phố thì nay đã lan ra các huyện Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình…Sản lượng rau trung bình đã đạt 50 ngàn tấn, năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha. Ông Lộc Văn Hỷ, nông dân trồng rau đặc sản xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết, trồng rau chu kỳ ngắn, quay vòng đất nhanh, tính ra lãi gấp đôi trồng lúa. Nếu có điều kiện để xuất khẩu bà con sẽ tập trung vào rau đặc sản. Nắm được lợi thế ấy nhiều công ty đã đầu tư vào nông nghiệp như dự án trồng cà chua bi xuất khẩu ở Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Văn Quan. Tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng với sản lượng và chất lượng đã khẳng định cà chua bi xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện toàn tỉnh có 8 ngàn hộ trồng rau đặc sản. Từ cây rau đặc sản đã góp phần làm người dân có cơ hội vươn lên. Tuy nhiên lợi thế ấy sẽ phát huy tốt hơn nữa khi xuất khẩu được nông sản ra bên ngoài. Với Lạng Sơn, lợi thế đã có, các đối tác cũng đã sẵn sàng, vấn đề còn lại chính là sức kích thích trong sản xuất, xuất khẩu. Đây cũng chính là cơ hội cho nông sản Xứ Lạng.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()