Cơ hội cho nông sản Xứ Lạng
LSO-Thí điểm cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định trong thực hiện năm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu đáp ứng được các tiêu chí, đây cũng được coi là cơ hội để nông sản Xứ Lạng mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ hội nhập.
Vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần chè Thái Bình (Đình Lập) áp dụng chương trình quản lý Viet Gap |
Vai trò quan trọng của doanh nghiệp
Cuối năm 2015, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Phương Minh (thành phố Lạng Sơn) mua lại một phần Công ty Cổ phần chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam (Mrsach.vn – trụ sở tại Hà Nội). Hoạt động này hình thành một cửa hàng cung cấp rau củ quả, đặc sản vùng miền trên địa bàn khu đô thị Phú Lộc IV, thành phố Lạng Sơn. Các loại thực phẩm này đều là sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Ông Nông Tùng Lâm, Giám đốc Công ty Phương Minh cho biết: tại thị trường Lạng Sơn, rau xanh được cung cấp bởi 3 nguồn, từ các vùng rau an toàn ở Hà Nam, Hà Tây, vùng rau sạch của tập đoàn T.H True Milk (theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap).
Đối với các nông sản đặc sản của Lạng Sơn, công ty cũng đã và đang từng bước có kế hoạch phân phối. Vừa qua, một số sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã nông màu Nà Chuông (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) cũng đã qua kênh phân phối của công ty.
Ông Lâm tâm sự: cái khó ở đây là vùng rau trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng (nhu cầu khoảng 1 tấn/ngày). Thêm vào đó là quy trình sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và sơ chế… còn hạn chế.
Tuy nhiên, công ty cũng đã lên kế hoạch phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết cùng nhà nông để sản xuất các loại đặc sản như: rau xanh, na, quýt, hồng… theo đúng quy trình sản xuất an toàn. Doanh nghiệp sẽ đảm nhiệm khâu thu gom, bảo quản sau thu hoạch và thực hiện phân phối qua hệ thống các cửa hàng.
“Một trái na nhập từ Thái Lan có giá trung bình 250 nghìn đồng; ta cũng có vùng na, sản phẩm của ta cũng thơm ngon nhưng giá trị còn quá thấp. Điều quan trọng là thay đổi phương thức sản xuất theo quy trình, sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn. Công ty sẽ tăng cường liên kết với người nông dân để làm được điều đó”- Giám đốc Công ty Phương Minh chia sẻ.
Thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn
Cuối năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn về việc thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn. Theo đó, đối tượng được cấp giấy là các loại thực phẩm bày bán tại các cơ sở kinh doanh; điều kiện là các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm từ cơ sở sản xuất ban đầu đến cơ sở bày bán cho người tiêu dùng phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo các quy định đã ban hành.
Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm và thủy sản cho biết: sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn chỉ đạo, UBND tỉnh đã chỉ đạo về thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã khảo sát, xây dựng kế hoạch và phấn đấu trong năm 2016 sẽ xác nhận sản phẩm an toàn cho 2 đơn vị. Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Phương Minh được xác định là doanh nghiệp thực hiện điểm.
Bà Đỗ Thị Tuyến (thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng) chăm sóc na trong vùng sản xuất Viet Gap |
Để triển khai, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 10 mẫu rau tại cửa hàng rau an toàn của công ty thực hiện test nhanh dư lượng thuốc trừ sâu, photphat và cacbonat, các mẫu rau đều cho kết quả âm tính. Đồng thời triển khai tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho công ty này.
Đối với người sản xuất, chi cục tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức trong sản xuất rau, củ, quả đảm bảo an toàn thực phẩm cho 130 học viên là các hộ trực tiếp sản xuất quýt tại các xã trồng quýt trọng điểm của huyện Bắc Sơn và chủ nhiệm hợp tác xã, các xã viên trực tiếp trồng rau theo hướng Viet Gap tại thành phố Lạng Sơn. Trong khi đó tiếp tục hướng dẫn duy trì vùng sản xuất na Viet Gap tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.
Trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết để nông sản Xứ Lạng có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn, trước tiên là khâu nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, liên kết chặt chẽ với nhà nông, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()