Cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Ursids vào rạng sáng 22-12
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng mưa sao băng Ursids, mưa sao băng cuối cùng 2024 sẽ diễn ra vào đêm 21-12 và đạt đỉnh lúc rạng sáng 22-12. Đây là thời gian thuận lợi để người yêu thiên văn học tại Việt Nam có thể quan sát một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trên bầu trời.
Lý giải về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, thời điểm lý tưởng nhất để quan sát mưa sao băng này là đêm 21-12 và rạng sáng 22-12.
Trên thực tế, người yêu thiên văn học có thể quan sát lượng sao băng ít hơn vào đêm trước hoặc sau đó, thậm chí từ những đêm đầu tháng 12 đã có thể may mắn nhìn thấy vài sao băng. Dưới điều kiện quan sát lý tưởng với một bầu trời tối không trăng, người quan sát có thể bắt gặp từ 90 đến 120 vệt sao băng Ursids diễn ra mỗi giờ.
Mưa sao băng Ursids xuất hiện do các mảnh vụn băng và bụi do sao chổi 8P/Tuttle để lại khi nó đi qua hệ Mặt trời trong hành trình quay quanh Mặt trời sau mỗi 13,5 năm. Khi Trái đất đi qua các mảnh vỡ của sao chổi, chúng sẽ nóng lên khi đi vào bầu khí quyển của Trái đất và tạo ra những vệt sao băng ấn tượng lướt qua bầu trời. Sao chổi 8P/Tuttle là một sao chổi cỡ trung bình có đường kính khoảng 4,5km.
Đặc biệt, cùng với mưa sao băng Geminids lớn nhất năm 2024 diễn ra từ ngày 19-11 đến 24-12, mưa sao băng Ursids cũng xuất hiện trên bầu trời vào dịp Giáng sinh năm nay và người yêu thiên văn có thể chiêm ngưỡng 2 trận mưa sao băng này cùng đêm.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, để quan sát rõ mưa sao băng, người quan sát cần xác định được khu vực trung tâm của nó. Người quan sát không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, tốt nhất quan sát bằng mắt thường, nên chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo (tuyệt đối không quan sát ở nơi có ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt). Tư thế quan sát tốt nhất là ngả lưng để ánh mắt luôn hướng lên phía trên.
“Nếu trời nhiều mây hoặc có mưa thì người quan sát sẽ không có cơ hội quan sát bất cứ sao băng nào. Nói dễ hiểu hơn, nếu không thể nhìn thấy những ngôi sao sáng nhất như mô tả trên thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có sao băng xuất hiện do khí quyển ở nơi họ quan sát quá ô nhiễm, hoặc trời quá nhiều mây", nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn lưu ý.
Ý kiến ()