Cô học trò nghèo với biệt danh “nụ cười giao thông”
LSO-Dáng người nhỏ nhắn với nụ cười hồn nhiên tuổi học trò luôn thường trực trên khuôn mặt cô học trò nghèo Vi Thị Duyên, lớp 12A5, Trường THPT Pác Khuông, huyện Bình Gia. Từ khi là học sinh duy nhất của trường giành giải cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, Duyên được bạn bè yêu mến đặt cho biệt danh cô gái có “Nụ cười giao thông”.
Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức cho học sinh khối 10, 11 năm học 2012-2013 của 16 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Lạng Sơn. Tại cuộc thi này, Trường THPT Pác Khuông có hàng trăm bài dự thi và em Vi Thị Duyên là thí sinh duy nhất của trường giành giải khuyến khích. Thành tích này đã ghi dấu quan trọng cho sự nỗ lực, phấn đấu học tập, Duyên chia sẻ: đây là một cuộc thi lớn với sự tham gia đông đảo của các bạn học sinh trong cả nước. Khi tham gia cuộc thi, em không nghĩ mình sẽ giành được giải mà chỉ coi đây là một dịp để em trau dồi thêm kiến thức về an toàn giao thông (ATGT) cũng như chia sẻ về những khó khăn đi lại mà em cũng như các bạn vẫn hàng ngày thường gặp. Bài dự thi của Duyên được đánh giá cao bởi ngoài những kiến thức về ATGT được học từ nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng thì còn phác họa được sự tham gia giao thông của học sinh vùng khó. Từ những con đường nhỏ lầy lội bùn đất đến những cây cầu cheo leo hay những tấm bè mảng hàng ngày đưa các em đến trường…Từ những kiến thức sâu rộng về ATGT đến những câu chuyện tham gia giao thông hàng ngày rất đỗi quen thuộc đã giúp em xuất sắc giành giải tại cuộc thi.
Không chỉ đạt được thành tích trong cuộc thi nói trên, Duyên còn được biết đến là một học sinh nghèo luôn biết vượt khó vươn lên. Đã có lúc, tưởng chừng con đường học hành của Duyên phải dừng lại ở cấp trung học cơ sở, thế nhưng, với ước mơ trở thành cô giáo của mình, Duyên tiếp tục vượt khó để theo con chữ. Em chia sẻ, gia đình em được xếp vào hộ đặc biệt khó khăn ở xã Thiện Hòa. Bao nhiêu năm qua, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng trồng lúa, ngô nhưng năng suất thấp do thiếu nước, địa hình chia cắt, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bố mẹ Duyên là 2 lao động chính trong nhà nhưng từ nhiều năm nay, bố em bị liệt một cánh tay, sinh hoạt đã khó nói gì đến lao động sản xuất. Đã có lúc, Duyên cùng anh trai định thôi học để giúp đỡ bố mẹ nhưng rồi Duyên nghĩ, muốn giúp bố mẹ lâu dài chắc chỉ có con đường học tập. Vậy là gác lại mọi sự băn khoăn, em lên học tại Trường THPT Pác Khuông cách nhà hơn 20km. Trường xa nhà, để tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, gia đình em và 5 bạn khác đã nhờ đất của một hộ dân gần trường để dựng một cái lán bằng gỗ, tre nứa rộng khoảng hơn 10m2 để 6 em cùng ăn, ở, sinh hoạt, học tập ngay gần trường. Vượt lên khó khăn của cuộc sống, Duyên luôn nỗ lực học tập và được thầy yêu, bạn quý. Thầy Vi Văn Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pác Khuông cho biết, qua 2 năm học ở trường và thông tin từ trường cấp 1, 2 nơi Duyên đã học, thầy đánh giá rất cao sự cần cù, chịu khó của Duyên. Nhiều thầy cô khác trong trường cũng đánh giá Duyên là một học sinh ngoan, hòa đồng. Năm học nào, Duyên cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Với những kết quả đó, Duyên không những là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào chung của thầy và trò Trường THPT Pác Khuông, là một tấm gương về sự vượt khó vươn lên của một cô học trò nghèo.
Ý kiến ()